“Gốc” là giảm tải tuyến trên, nâng tải tuyến dưới
Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 08/01/2012
"Tư lệnh" ngành y cũng đã chỉ ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những vấn đề nổi cộm của ngành trong thời gian qua chính là tình trạng quá tải ở tuyến trung ương, một số chuyên khoa đầu ngành và dưới tải ở tuyến cơ sở. Một số giải pháp quyết liệt sẽ được triển khai trong thời gian tới, nhưng người đứng đầu ngành y cũng chưa thể khẳng định khi nào thì sẽ chấm dứt được tình trạng quá tải.
Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đang trong tình trạng quá tải trầm trọng. Ảnh: Khánh Nguyên |
Phân tuyến khám bệnh như phân luồng giao thông
Những câu hỏi đầu tiên gửi về cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đều tập trung vào thực trạng quá tải BV. Giải đáp những thắc mắc của người dân về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này của Bộ trưởng không mới: Dân số tăng nhưng số giường bệnh tăng không đáng kể nên hiện nước ta chỉ đạt 20,5 giường/10 vạn dân trong khi quy định của Tổ chức Y tế thế giới ít nhất phải là 33, còn thực tế ở Hàn Quốc là 86, Nhật Bản 140; mô hình bệnh tật thay đổi; thu nhập của người dân cao hơn, dân trí tăng, giao thông thuận tiện, thông tin phong phú, chế độ bảo hiểm y tế tốt hơn… khiến người bệnh quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và dễ dàng lên thẳng tuyến trên khám bệnh dù chỉ thấy mệt và phải chờ đợi từ 3, 4 giờ sáng trong cảnh chen lấn. Bà Tiến cho biết, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế nghiên cứu về nguyên nhân quá tải ở tuyến trung ương và dưới tải ở tuyến cơ sở, có đến 60% số bệnh nhân lên BV trung ương khám bệnh hoàn toàn có thể khám, điều trị tại tuyến tỉnh, huyện nhưng vì những quy định về chuyển tuyến chưa chặt chẽ, viện phí ở hai tuyến không chênh lệch nhiều, quy định về thanh toán bảo hiểm y tế thông thoáng nên họ cứ ốm là đi Bạch Mai, cứ gãy chân, gãy tay là lên Việt - Đức. Bộ Y tế cũng đã có nhiều giải pháp, nói như bà Tiến, chưa thật căn bản nên quá tải dù đã giảm chút ít nhưng vẫn là nỗi lo ngại của người bệnh, là nỗi bức xúc của xã hội, là nỗi trăn trở của ngành y tế.
Khi được Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang xây dựng đề án giảm tải ở BV tuyến trên và một số BV chuyên khoa, một độc giả theo dõi cuộc đối thoại trực tuyến đã thẳng thắn đặt câu hỏi: Với đề án này và những cố gắng của ngành y tế, bao giờ thì các BV hết cảnh 2, 3 bệnh nhân chung một giường. Người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn chia sẻ, quá tải là vấn đề lớn xảy ra đã nhiều năm và không chỉ ở Việt Nam hay các nước đang phát triển mới có cảnh này mà cả những nước phát triển vẫn còn, chỉ khác họ hẹn bệnh nhân khám theo giờ nên không có cảnh BV không còn chỗ len chân như ở Chợ Rẫy hay Bạch Mai… Để giải quyết, cần những giải pháp căn cơ, lâu dài, khó có thể chỉ riêng ngành y tế làm được. Bởi gốc của quá tải là thiếu chỗ kê giường mà để mở rộng quy mô hay xây mới BV thì cần đất và tiền. Còn phát triển y tế tuyến cơ sở, một giải pháp được ngành xác định là trọng tâm thì cũng phải có kinh phí và có bác sĩ giỏi về làm việc. Những vấn đề thuộc khả năng của mình như tăng cường đào tạo cán bộ cho tuyến dưới bằng các loại hình, phương thức đào tạo khác nhau, luân chuyển cán bộ tuyến trên về tăng cường cho tuyến dưới… ngành y tế đang triển khai tích cực và Bộ trưởng hy vọng một vài năm nữa, tình trạng thiếu bác sĩ và mất cân đối giữa các vùng miền sẽ phần nào được giải quyết. Tuy nhiên, những vấn đề vượt tầm của ngành như kinh phí đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, đất để xây mới mở rộng BV thì cần phải có sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương.
Một giải pháp mang tính kỹ thuật, tuy không mới nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ quyết tâm triển khai trong thời gian tới là xây dựng quy chế chuyển bệnh nhân. Theo thống kê của ngành, 80% bệnh nhân đến khám ở các cơ sở y tế là người bị bệnh nhẹ, nếu có phải điều trị nội trú thì chỉ theo phác đồ thông thường.
Vì thế, cần phải phân tuyến tốt từ nơi khám chữa bệnh ban đầu, như đẻ thường thì chỉ cần đến nhà hộ sinh, vừa đỡ quá tải cho BV tuyến trên, vừa tránh lây nhiễm chéo và những tai biến không đáng có cho người bệnh.
Chất lượng và y đức: Sẽ tăng nếu giảm được tải
Khi nói về nguyên nhân gây quá tải và cũng là giải pháp để giảm tải, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề cập đến vấn đề đổi mới cơ chế tài chính, trong đó cốt lõi là việc điều chỉnh phí khám chữa bệnh. Theo bà Tiến, mức phí quá lạc hậu khiến có BV vẫn cho bệnh nhân nằm chiếu, đắp chăn chiên và không có nguồn để đầu tư trang thiết bị hiện đại. Mức phí quá thấp khiến cho đời sống cán bộ y tế, nhất là điều dưỡng, y tế, cán bộ hành chính… gặp nhiều khó khăn và đó là một nguyên nhân quan trọng khiến họ "trông chờ" vào phong bì của bệnh nhân. Mức phí thấp cũng khiến cho các BV tuyến trên, tuy kêu khổ vì một ngày một bác sĩ phải khám cho từ 80 đến 100 bệnh nhân, trong khi quy định tối đa chỉ là 30 người, nhưng vẫn muốn "khổ" vì như thế thì mới có điều kiện tăng nguồn thu cho cả BV lẫn cán bộ y tế. Càng quá tải thì càng rất dễ có thái độ ứng xử chưa đúng mực, nhất là ân cần tư vấn, giải thích cho người bệnh.
Tháo gỡ "vòng tròn luẩn quẩn" này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sắp tới, có thể là trước Tết Nguyên đán, liên bộ Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành thông tư điều chỉnh giá 277 dịch vụ, trong đó 70% là tăng với mức dưới 5 lần so với mức hiện hành. Lần điều chỉnh này chỉ mới tính đến 3 trong số 7 yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ và mức tăng dựa vào mức tăng lương cơ bản và chỉ số trượt giá. Bộ Y tế tính toán, riêng lương cơ bản từ thời điểm ban hành mức phí hiện hành đến nay đã tăng 6,2 lần nên mức điều chỉnh phí dịch vụ gấp 5 lần mức cũ là phù hợp. Bộ trưởng khẳng định, tăng phí dịch vụ, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng. Và Bộ Y tế sẽ có những quy định, ví như bệnh nhân nằm ghép 2, 3 người một giường chỉ phải trả 50% hoặc 30% tiền giường. Bộ Y tế cũng sẽ đánh giá thi đua và xếp hạng BV căn cứ vào kết quả giảm tải của các đơn vị. Các quy định này hy vọng sẽ góp phần giảm tải ở các BV và từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và cải thiện mối quan hệ vốn chưa bình đẳng giữa người bệnh và y, bác sĩ.