Nghèo tiền, của nhưng không nghèo chữ
Xã hội - Ngày đăng : 07:34, 08/01/2012
Kẻ Ngái ông Nghè như… lá tre
Đó là cách người xứ Đoài nói về kẻ Ngái, tên môn của làng Hương Ngải. Sở dĩ có sự ví von này vì nơi đây có lắm người tài, đỗ đạt làm quan - Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Nguyễn Trần Vượng mở đầu câu chuyện về sự học ở làng như vậy. Theo bia Hương Hiền dựng tại Văn Chỉ làng Hương Ngải năm 1857 và 20 bản gia phả, tộc phả các dòng họ ghi lại, thời phong kiến, làng có 6 vị đỗ Đại khoa, trong đó 2 người đỗ Thái học sinh dưới triều Lý, 4 người đỗ Tiến sĩ, 53 vị đỗ Trung khoa. Điển hình như dòng họ Đỗ, 8 đời nối tiếp nhau đỗ đạt. Họ Vương cũng trải mấy đời liền đỗ Trung khoa đều được lưu tại bia Trung Khoa trong Văn Chỉ của làng. Lại có người đi thi đỗ đạt ở tuổi 19 như cụ Nguyễn Tiến Thiện đỗ đầu thi Hương, cụ Vũ Đăng Giai đỗ Hương cống… Cụ Cấn Kỳ nổi tiếng hay chữ được dân trong vùng suy tôn là "Sơn Tây tứ kiệt" (4 người hay chữ nhất vùng Sơn Tây)…
Làng quê Hương Ngải yên bình. |
Gắn với truyền thống hiếu học của làng, từ xa xưa, Hương Ngải đã lập Quán Nghinh ở đầu làng. Tương truyền trước sau quán có 7 cây cổ thụ được trồng theo hình sao Bắc Đẩu, tượng trưng cho một làng xã có tiếng văn học. Đây là nơi đưa đón các nho sinh, sĩ tử của làng đi thi và đỗ đạt trở về. Ngày nay, Quán Nghinh vẫn còn ở Hương Ngải với nghệ thuật "Nhất biến tam, tam biến cửu" (1 gian thành 3; 3 gian thành 9). Rồi miếu thờ Tam vị Thần hoàng làng đón những già làng thọ trăm tuổi trở lên và người đỗ đại khoa ngồi tế lễ. Đó là một cái đích để các sỹ tử Hương Ngải phấn đấu học hành và các cụ trong làng gắng luyện rèn sức khỏe để sống lâu.
Bán ruộng, bán vườn quyết cho con đi học
Theo ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải, từ xưa làng đã có ruộng học điền để khuyến khích người làng đi học, nhất là giúp đỡ những nhà gặp cảnh ngộ khó khăn. Hương ước của làng năm 1730 ghi lại: "Trẻ con trong làng lên 6 tuổi phải đến trường để học. Những con nhỏ thông minh nhưng nhà nghèo không theo học được thì làng sẽ cấp giấy bút cho đi học để thành tài" và "Hằng năm, đến kỳ bổ thuế dân, phải chiếu bổ lương cho thầy giáo dạy học trường làng". Ngày nay, truyền thống lo cho sự học của dân vẫn được cấp ủy Đảng và chính quyền trong xã phát huy. Từ hơn chục năm nay, Hương Ngải đã thành lập quỹ khuyến học để động viên, khuyến khích con em trong xã phấn đấu học tập. Quỹ đã thu được trên một trăm triệu đồng do các tổ chức, cá nhân đóng góp. Hằng năm vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, Hương Ngải tổ chức gặp mặt, khen thưởng các cháu học sinh có thành tích học tập giỏi từ cấp huyện trở lên. Dịp 20-11 thì gặp mặt các nhà giáo có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học của địa phương. Ngày mồng 4 Tết tổ chức gặp mặt tuyên dương con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tại Văn Chỉ của làng. Đó là chưa kể mỗi dòng họ, các hội, đoàn thể cũng có quỹ khuyến học riêng, trong các dịp giỗ họ, đều có quà động viên, tuyên dương các em học sinh, sinh viên có thành tích tốt trong học tập.
Theo thống kê, từ năm 1955 đến cuối thế kỷ XX, làng có hơn 300 người đỗ đại học và 20 người có học vị tiến sĩ. Còn hiện nay, trung bình mỗi năm, xã Hương Ngải có 130 em đỗ vào các trường đại học hệ chính quy. Hơn 50 người làng Hương Ngải bằng con đường học hành, đỗ đạt mà tạo lập cuộc sống ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ con đường học tập, nhiều người quê Hương Ngải đã trở thành những nhà khoa học, tướng lĩnh và những nhà quản lý trong các ngành nghề khác nhau.
Ông Phí Đình Phùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất, là người con làng Hương Ngải cho biết, ở đây, có những gia đình, cha mẹ sẵn sàng bán vườn, bán đất lấy tiền cho con ăn học. Điển hình như các gia đình: bà Nguyễn Thị Xuyến, thôn 2, tuy chỉ làm ruộng nhưng đã nuôi 4 người con đi học đại học nay đều làm công chức nhà nước... Bởi vậy, trong ngôi làng Việt cổ này các xóm Thượng, xóm Cao được gọi là xóm công chức. Người Hương Ngải có truyền thống ham học hỏi, nên chất lượng nguồn lao động trong xã tương đối khá. Theo thống kê xã có khoảng 4.400 lao động trong độ tuổi, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt gần 40%. Cả xã có khoảng 700 lao động đi làm việc tại các nước và khu vực Hàn Quốc, Đài Loan, Angiêri…
Hương Ngải đang chuyển mình trong phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người dân không ngừng được nâng cao nhờ có trình độ học vấn và ham hiểu biết. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã chỉ còn trên 6%, thu nhập bình quân đầu người trên 15 triệu đồng/năm.