Tôi có niềm tin vào công lý

Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 08/01/2012

(HNM) - Cách đây ít ngày, không phải bỗng nhiên câu chuyện Trần Hoàng Huy (31 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Huy Phát - TP Hồ Chí Minh) gửi tâm thư tức tưởi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trở thành sự kiện nóng trên các diễn đàn với hàng ngàn người comment chung một lời: cầu mong Bộ trưởng dành chút thời gian đọc lá thư.

Đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp (DN) dám bức xúc với hải quan, mà hơn thế nữa là thực tế, chỉ cần một chút "hành" sẽ xóa sổ cả một DN và ngược lại chỉ cần người có trách nhiệm quan tâm một chút sẽ hồi sinh DN và cứu nhiều số phận người lao động. Bởi vậy, đây không còn là câu chuyện của một DN nhỏ, một cá nhân. Chúng tôi đã có cuộc đối thoại với ông giám đốc - người đã dám nói lên sự thật qua lời kêu cứu và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính ra tay cứu giúp... Giám đốc Trần Hoàng Huy mở đầu cuộc đối thoại bằng câu chuyện về cái nghèo:

Trần Hoàng Huy đã tươi tỉnh lại sau khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính cứu.


- Quê tôi ở tỉnh Tây Ninh. Ba má tôi là cán bộ nhà nước về hưu. Trước đây nhà ba má nghèo quá đến mức nằm trong danh sách các hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Đang học đại học kinh tế, tôi phải nghỉ học giữa chừng và năm 2004, khi đã 24 tuổi, tôi đi thu gom vỏ lốp xe phế thải khắp nơi từ miền Đông Nam bộ đến Tây Nam bộ để bán với đồng vốn là hơn 10 triệu đồng tiền lương hưu ba mẹ tích cóp được.

Lúc đó người dân chỉ đổ xuống sông, quăng bãi rác hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường chớ không có ai nghĩ vỏ lốp xe cũng bán được ra tiền. Nên thấy có người thu mua... rác giúp, người ta rất thương, nhiệt tình giúp đỡ. Lúc đó, tôi ngả đâu cũng là giường, nằm đâu cũng là nhà, thậm chí ngủ tại bãi phế liệu. Khi không có hàng tôi mới về Tây Ninh ngủ nhà chứ đồng lời từ lốp xe phế thải không thể trang trải nổi tiền thuê nhà ở TP Hồ Chí Minh.

Đến tháng 7-2010, khi đã cưới vợ, với nhiều năm kinh nghiệm mua... "ve chai" của tôi, gia đình vợ và cả người thân tôi cũng như nhiều bạn bè động viên nên tôi dũng cảm mở công ty, họ sẽ trợ giúp vốn. Ý tưởng lập công ty đã được tôi  ấp ủ  từ ngày còn ngồi ở ghế giảng đường đại học kinh tế. Lập được công ty cũng là khát vọng của rất nhiều thanh niên thế hệ chúng tôi!

Thế là Công ty Huy Phát ra đời. Nói thực với anh, mang tiếng doanh nghiệp cho oai nhưng toàn bộ số vốn tiền mặt chỉ có 500 triệu đồng, chủ yếu từ bạn bè cho vay người 5 triệu, người 10 triệu cùng với tiền của người bà con tôi cầm cố đất đai. Tiếng là giám đốc nhưng tôi kiêm luôn cả... công nhân, tự tay chặt, bốc xếp lốp và  kiêm luôn người mua hàng bán hàng, bởi lúc đó, tiền của mình chỉ gom được ít hàng, 1 tháng lời cỡ 10-15 triệu đồng thì lấy đâu ra thuê người. Nhưng cũng nhờ buôn bán "ve chai" như vậy, gia đình ba mẹ tôi đã ra khỏi diện gia đình nghèo.

+ Lâu nay, rất hiếm, nếu không nói là chưa thấy DN nào - kể cả các DN hùng mạnh về tài chính - "cả gan" đụng tới hải quan. Vậy mà sao anh "dám" viết  tâm thư tức tưởi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính?

- Sự thể bắt đầu từ năm 2011 tôi nhận được một hợp đồng (lốp xe phế thải) tổng trị giá 1,6 tỷ đồng của một DN ở Hải Phòng. Lâu nay buôn bán nhỏ lẻ hàng phế liệu, chỉ "cao cấp" hơn người đi buôn bán "ve chai" là lập công ty, nên đây là một vận may hiếm có để lấy uy tín mà phát triển kinh doanh. Nhưng vốn chỉ có vài trăm triệu thì sao đủ gom lượng hàng tới 1,6 tỷ đồng? Tôi đem tất cả vận may cũng như khó khăn trình bày với khách hàng cũng như gia đình mình. Khách hàng họ cho ứng ngay 500 triệu đồng. Ba mẹ tôi và bà dì tôi cầm luôn sổ đỏ căn nhà của mình cho tôi mượn một ít. Nhiều người bạn tôi biết chuyện cùng góp vốn với tôi,  người 10 triệu, người 20-30 triệu đồng. Tôi gom tất cả và suốt 5 tháng trời đi thu gom lốp xe cũ mới đủ 1 tàu hàng trị giá 1,6 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng lớn đầu tiên của đời làm giám đốc.

Đến khi tàu chở hàng hóa đi đến cửa biển giữa sông Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (gần phao số 0) thì bị Hải đội 3 (Đội kiểm soát phòng chống buôn lậu trên biển, thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng Cục hải quan) yêu cầu dừng tàu và kiểm tra giấy tờ. Công ty đã trình những giấy tờ: phiếu xuất kho, giấy tờ cảng vụ, phiếu vận chuyển, phiếu cân hàng hóa qua cảng, danh sách hàng hóa bán,  hóa đơn bán lẻ tại kho theo yêu cầu của nhân viên cảng vụ… Nhưng các cán bộ hải quan nói: không đủ giấy tờ, vi phạm hành chính. Suốt hàng chục ngày sau đó, tôi không biết mình sai hay thiếu giấy tờ gì. Hỏi hải quan về việc bổ sung những giấy tờ gì thì được trả lời: "Làm DN thì tự biết, không lẽ hải quan chỉ đường cho hươu chạy…". Trong khi đó, mình là người làm ăn nhỏ lẻ, không hiểu hết thủ tục là chuyện đương nhiên, phải đi hỏi cơ quan công quyền mà lại được trả lời như vậy thì cũng không biết bổ sung cái gì, rồi bổ sung cho ai, bổ sung ở đâu…

Rồi tôi nghe thông tin hàng sẽ bị tịch thu. Như vậy DN đã lâm vào đường cùng, nguy cơ sẽ bị phá sản hiển hiện. Tiền đâu bồi thường cho chủ tàu, tiền đâu bồi thường cho khách hàng? Và khi bị mất khách hàng thì sau này cơ hội làm ăn của DN cũng mờ mịt luôn. Đó là chưa dám nghĩ đến cảnh cả gia tài của tôi, gia đình, họ hàng tôi sẽ tiêu tan.  Đường cùng rồi nên tôi mới cả gan viết thư cho Bộ trưởng Vương Đình Huệ…

+ "Tâm trạng con u uất, mất ăn mất ngủ, con đã bỏ mọi công ăn việc làm để ở tại Vũng Tàu chờ đợi câu trả lời mà không biết chờ đến khi nào... Từ tận đáy lòng, từ sự khổ ải, con chân thành mong chú nín chút thời gian để con có cơ hội tiếp tục làm ăn để góp phần xây dựng đất nước, để báo hiếu cho cha mẹ. Con không biết bức thư này có đến tay chú được không, nhưng con toàn tâm hy vọng chú sẽ đọc được bức thư này". Lời trong thư của anh cũng khiến mọi người đứng ngoài tức tưởi theo. Khi gửi thư, Huy có hy vọng không?

- Khi đó tôi bị bí bức đến tận cùng. Khi nghe hàng bị bắt người tôi ngơ ngẩn, chạy ngay xuống Vũng Tàu bằng xe máy mà quên chú ý nên kẻ trộm vào phòng trọ lấy nốt chiếc xe máy - tài sản cuối cùng của mình. Lúc đó tôi không còn bụng dạ nào ăn uống nên sụt tới 6kg phải liên tục vào bệnh viện truyền đạm. Đó là chưa nói vợ tôi gày rộc đi. Đêm đêm hai vợ chồng ngồi nhìn nhau, chẳng nói được lời nào, chỉ ứa nước mắt.

Trong cái tâm trạng và sức khỏe như vậy, khi nhiều người khuyên nên cầu cứu tới Bộ trưởng, trong tôi chỉ có suy nghĩ, Bộ trưởng cao lắm, vời vợi lắm, trăm ngàn công việc lắm. Còn doanh nghiệp mình thì quá bé nhỏ, như hạt cát trên sa mạc vậy nên vừa viết thư vừa khóc, xưng "con"...!  

Thực sự vợ chồng tôi thức trắng hai đêm suy nghĩ mới dám viết. Bởi không còn con đường nào khác. Hoặc là mình tán gia bại sản, hoặc có chút le lói ánh sáng cuối đường hầm. Lúc đó, viết rồi không dám gửi. Khi quyết định gửi ngày nào cũng gửi, tới 16 lần rồi và thực sự không hy vọng.

+ Một số đồng nghiệp kể rằng khi Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu trả hàng và xử lý trách nhiệm cán bộ công chức liên quan thì Huy cứ ngồi thừ ra như người mất hồn?

- Tôi không nghĩ đến hình ảnh của mình như thế nào nữa. Chỉ một phút trước, một vị giám đốc ngơ ngẩn ngẩn ngơ, áo bỏ ngoài quần lôi thôi lếch thếch, đầu bù tóc rối chẳng buồn chải, trong túi không còn đủ 50.000 đồng photocopy hồ sơ kêu cứu tới báo chí. Thức trắng nhiều đêm viết thư mà không hy vọng. Gần hai tháng mỏi mòn vật vờ như vậy!

Rồi tôi hay tin chú Bộ trưởng Vương Đình Huệ đọc thư, cho thanh tra vào cuộc và trả hàng, trả tàu. Khi nhận được thông báo này, tôi không thể tin đó là sự thật. Đến khi xuống nhận hàng, tôi cứ thừ cả người, nửa ngày trời đi suốt tàu ngắm... hàng của mình trong đầu lúc đó chỉ có một câu hỏi thôi "đây là sự thật à?!" nên mơ mơ màng màng với câu hỏi của các nhà báo! (cười!). Đêm đó hai vợ chồng mừng quá, chỉ ngồi nhìn nhau cười rồi khóc, rồi lại cười vì sung sướng mà không ngủ được. Thậm chí mấy ngày sau, có nhiều cuộc điện thoại gọi chúc mừng nhưng do đang ngơ ngẩn vì không tin được đó là sự thật nên tôi cũng... không nhớ là ai chúc mừng nữa.

+ Ban đầu Huy có nghĩ đến việc "lót tay" để được trả hàng không? Và giờ Huy có ngại sẽ tiếp tục bị "hành" vì dám viết thư tố khổ với Bộ trưởng để rồi nhiều người bị xử lý trách nhiệm?

- Thú thật là ban đầu có một số bạn bè là chủ DN lâu năm nói phải "biết lo" thì hàng mới "thông". Khi đó tôi vay mượn được 20 triệu đồng cầm xuống định đưa cho cán bộ hải quan "uống cafe" nhưng sau đó lại thôi... Sau khi Bộ trưởng yêu cầu xử lý cá nhân tổ chức liên quan, có người lo tôi sẽ bị "ép cho ra bã". Nhưng tôi nghĩ ban đầu mình chưa hiểu biết luật nên còn thiếu sót giấy tờ chứ cứ làm đúng thủ tục theo hướng dẫn, làm ăn đứng đắn thì sẽ không sao. Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã mang lại niềm tin cho tôi rằng vẫn còn tồn tại công lý trên đời. Cuộc đời còn rất nhiều người tốt, đừng bao giờ mất hy vọng vào điều tốt.

+ Bây giờ tàu và hàng đã lên đường tiếp tục hành trình rồi. Tỉnh táo rồi, Huy có rút ra cho mình điều gì khi bước vào thương trường?

- Nhiều bài học lớn lắm. Chỉ cần một chút "hành là chính" của cơ quan chức năng sẽ xóa sổ cả một DN và ngược lại chỉ cần người có trách nhiệm quan tâm một chút, sẽ cứu sống bao phận người. Nên đây không chỉ là một câu chuyện, một vấn đề nhỏ, của một công ty nhỏ. DN nào cũng vậy, không thể biết hết tất cả thủ tục pháp lý trong khi hệ thống văn bản của các bộ, ngành liên quan thì rất nhiều. Nên rất cần cơ quan nhà nước và cán bộ có trách nhiệm, có lương tâm tận tình hướng dẫn các DN thực hiện đúng quy định pháp luật. Còn DN, trước khi làm gì, cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, thủ tục… liên quan. Bởi không phải ai cũng may mắn như tôi khi lá thư của mình thấu tới vị Bộ trưởng và được quan tâm như vậy.

+ Chúc anh Huy cùng DN "sóng yên biển lặng" và tiếp tục phát triển!

Liên quan đến vụ Công ty Huy Phát, theo Thông báo ngày 29-12-2011 của Bộ Tài chính thì ngay khi đọc được lá thư của Trần Hoàng Huy, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xác minh làm rõ. Theo xác minh của Tổ công tác thì vào thời điểm 0h40 phút ngày 27-10-2011, tại cửa sông Lòng Tầu, thuộc vùng biển Vũng Tàu, Hải đội 3 đã phát hiện số hàng hóa của Công ty Huy Phát vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa vận chuyển trên đường. Tuy nhiên, chưa có căn cứ để kết luận là hàng (lốp xe phế thải) có nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài. Công ty Huy Phát chỉ vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa vận chuyển trên đường nên phải xử lý theo quy định xử lý vi phạm hành chính về thuế chứ không có hình thức xử phạt là tịch thu tang vật vi phạm.

Từ kết quả xác minh trên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo ngành hải quan khẩn trương ra quyết định trả lại phương tiện và hàng hóa mà Hải đội 3 đang tạm giữ; bàn giao tài liệu có liên quan đến vi phạm của Công ty Huy Phát cho cơ quan thuế để xem xét xử lý theo quy định; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan về việc để thời gian xử lý vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho DN.

Ngô Sơn - Quốc Ấn