Dùng sách hướng dẫn: Lợi hay hại?

Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 08/01/2012

Sách hướng dẫn, sách giải bài tập, từ đơn giản đến phức tạp được nhiều HS coi như chiếc phao cứu sinh. Việc sử dụng sách hướng dẫn như vậy có hợp lý hay không? Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến chia sẻ của các em và thầy, cô giáo nhé.



Em Phan Hoàng Lâm, lớp 11, Trường THPT Trần Nhân Tông

- Khi sắm bộ sách giáo khoa, sách bài tập, em luôn mua thêm các cuốn sách giải, sách hướng dẫn các môn, từ toán, lý, hóa, sinh cho tới những môn xã hội như văn, sử, địa, ngoại ngữ… Khối lượng bài tập các môn tương đối nhiều, em cứ giở hết sách hướng dẫn ra "cóp" cho nhanh, lại bảo đảm "chuẩn", chẳng mất công suy nghĩ cách làm. Nếu đến lớp, cô giáo có kiểm tra thì cũng cố nhớ "y nguyên" cách giải qua sách mà làm. Nhưng có không ít sách hướng dẫn thuộc loại in lậu, nhiều lỗi nên kết quả là bài giải sai hoặc không đủ… Đã có lần em "cóp" nguyên cách giải trong một cuốn sách hướng dẫn không chuẩn, vừa bị điểm kém, vừa bị cô giáo phê bình trước lớp vì kiểu "học vẹt", sao chép, không chịu suy nghĩ.

Em Trần Gia Huy, lớp 9, Trường THCS Ngọc Lâm

- Em chỉ sử dụng sách hướng dẫn một số môn như toán, lý, hóa… Với những bài tập khó trong sách giáo khoa, nghĩ mãi mà không ra cách giải thì em mới dùng sách hướng dẫn để tham khảo hướng giải, rồi cố gắng tìm tòi để áp dụng trong việc giải những bài tập tương tự. Sau khi tự giải xong, hết các bài tập được giao, em cũng tham khảo sách hướng dẫn để đối chiếu kết quả và xem cách giải của mình đã đúng chưa. Theo em, nếu sử dụng đúng phương pháp và không quá lệ thuộc vào sách hướng dẫn thì có thể hiểu bài nhanh và đạt kết quả học tập tốt.

Cô Hoàng Thanh Mai, giáo viên chủ nhiệm, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều

- Sách hướng dẫn luôn là "con dao hai lưỡi" đối với HS hiện nay. Nếu quá lệ thuộc vào sách đến mức đọc đề bài là "dò" ngay đáp án trong sách hướng dẫn thì các em sẽ học hành ngày càng sa sút, chỉ biết rập khuôn chứ không hiểu được bài. Nhiều em suy nghĩ rằng, mình chỉ cần "xem qua" một chút rồi chép y nguyên lại là có thể nhớ được cách giải. Thực ra không phải vậy, muốn hiểu được bài sâu sắc thì phải mày mò tự giải, tự nghiên cứu bài tập kĩ càng. Ngay lúc chép lại bài giải mẫu, có thể các em sẽ nhớ được cách giải nhưng vào ngày hôm sau, tuần sau, nếu gặp một bài tương tự như thế thì chắc chắn các em không thể nhớ lại một cách đầy đủ. Trong thực tế, rất ít HS có tinh thần tự giác, chịu bỏ thời gian nghiên cứu, cố gắng giải một bài tập khó khi đã có quyển sách giải ở bên cạnh.

Do quá phụ thuộc vào sách giải nên các em chỉ làm được những bài tập đơn giản hoặc giống y hệt như đầu bài trong sách, chứ khi gặp dạng bài phức tạp hoặc có sự thay đổi một chút so với bài tập mẫu trong sách là chịu ngay. Nhiều em dùng sách hướng dẫn với tâm lý sợ sai, sợ bị điểm kém, sợ cách giải của mình không đúng đáp án, do đó thầy, cô giáo cần khuyến khích HS tự tìm tòi những cách giải mới, trong trường hợp các em có hướng giải sai thì cần giảng lại cho HS hiểu và cho các em cơ hội gỡ điểm ở những bài giải tương tự.

Thanh Phong