Thông điệp khẩn cấp từ Athens
Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 08/01/2012
Cho dù đã quá quen với tình trạng thường xuyên nguy kịch của Athens, song cảnh báo từ Thủ tướng Lucas Papademos rằng nếu không có biện pháp mạnh, nền kinh tế ốm yếu nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ sụp đổ vào tháng 3 tới vẫn không khỏi tạo nên cú sốc mới.
Hy Lạp cảnh báo sẽ phải ra khỏi Eurozone nếu không được nhận cứu trợ. |
Điều dễ nhận thấy nhất từ tuyên bố gây choáng váng của Athens là tình trạng của Hy Lạp rõ ràng không tiến triển bất chấp các gói giải cứu đồ sộ từ những chủ nợ nghiêm khắc như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh Châu Âu (EU). Nguy cơ quốc gia bên bờ Địa Trung Hải rơi vào ngưỡng thập tử nhất sinh cũng đã hơn một lần được lãnh đạo Hy Lạp thừa nhận. Từng cảnh báo một năm khó khăn ngập lối ngay trong thông điệp đầu năm 2012, cơn bạo bệnh mà xứ sở Thần thoại trót mang trong mình chắc chắn sẽ vẫn còn là mối quan ngại khôn nguôi với Lục địa già thời gian tới. Thế nhưng, có vẻ như Hy Lạp không có nhiều thời gian đến thế, tuyên bố nếu thỏa thuận cứu trợ mới không được ký kết sau các cuộc đàm phán vào giữa tháng này, đất nước của các vị thần có thể sẽ buộc phải rời khỏi thị trường chung Châu Âu và chấm dứt sử dụng đồng euro được xem như thông điệp vô cùng khẩn cấp từ Athens. Đề cập tới vấn đề mà một Châu Âu nhất thể hóa cả về kinh tế và chính trị không muốn nhắc đến và đã làm mọi cách có thể để viễn cảnh tồi tệ không xảy ra, dường như mọi điều kiêng kị đã không còn quan trọng nữa mà việc Hy Lạp vẫn cần sự trợ giúp nhiều hơn để có thể tồn tại mới là điều cần thiết nhất hiện nay.
Những số liệu thực tế cũng chứng minh cho thể trạng yếu ớt của Athens. Mặc cho chính phủ đã liên tục giảm lương, sa thải nhân công và tăng thuế suốt hai năm qua như giải pháp chủ chốt để cân bằng thu chi, IMF khẳng định thâm hụt ngân sách năm 2011 của Hy Lạp vẫn là 9% so với mức 10,6% của năm 2010. Thành tích nghèo nàn này cộng với mức tăng trưởng âm 6% năm 2011 theo tính toán của phương Tây cho thấy việc Hy Lạp sớm thoát khỏi tình trạng được nuôi sống bằng các khoản vay từ bên ngoài là không thể xảy ra.
Mặc dù vậy, cũng không dễ dàng để các nhà tài trợ rót tiền cứu nguy mà không nhận thấy những nỗ lực cải cách từ bệnh nhân đầu tiên của căn bệnh nợ công giờ đã lây lan khắp Châu Âu. Do đó, Thủ tướng Lucas Papademos cho rằng không cách nào khác, tiếp tục thắt chặt chi tiêu hơn nữa, giảm bớt thu nhập, cắt giảm chi phí lao động là giải pháp duy nhất để xứ sở Thần thoại có thể nhận được thêm tiền từ các chủ nợ quốc tế và ở lại trong Eurozone. Vậy là, sau 5 chương trình chi tiêu khắc khổ từng khiến chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng George Papandreou phải ra đi do vấp phải sự phản ứng gay gắt của dân chúng, vị thủ tướng tạm quyền 64 tuổi tại Hy Lạp cũng vẫn phải kêu gọi người dân thắt lưng buộc bụng hơn nữa. Dù thế nào cũng không thể chối bỏ thực tế, đất nước bên bờ Địa Trung Hải không còn lựa chọn nào khác trong điều kiện đang sở hữu một nền kinh tế gần như không còn khả năng cạnh tranh.
"Phải từ bỏ đôi chút để không mất quá nhiều", lời thuyết phục người dân đồng lòng với các chính sách giảm chi của Thủ tướng Lucas Papademos đã hội đủ sự khẩn thiết cũng như những khả năng tồi tệ sẽ đến nếu như Hy Lạp không đi tiếp con đường cắt giảm chi tiêu. Một khi chệch khỏi quỹ đạo này, cái sẽ mất chắc chắn để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đó là sự phá sản đau đớn và vỡ nợ không thể kiểm soát. Song, quan trọng là, cho đến lúc này, Hy Lạp chưa từ bỏ các nỗ lực vượt qua cơn khủng hoảng với niềm mong mỏi trách nhiệm và sự hợp tác sẽ biến năm 2012 thành một năm của hy vọng với xứ sở Thần thoại.