Bài 1: Mục tiêu vẫn nằm trên... giấy
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 08/01/2012
Lơ lửng quy hoạch treo
Theo bản quy hoạch nói trên, TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu diện tích đất trung bình dành cho hoạt động khám và điều trị của ngành y tế là 0,5-0,7m2/người. Lộ trình quỹ đất dành cho phát triển ngành y đến năm 2020 là 701ha, trong đó từ 177ha năm 2004 sẽ tăng thêm 252ha (năm 2010) và 272ha (năm 2020). Ngoài nâng cấp các cơ sở hiện hữu, TP sẽ ưu tiên phát triển các trung tâm y khoa, viện, trường và các cơ sở y tế tại 4 cửa ngõ của TP với tổng diện tích là 332ha, trong đó: Khu vực phía đông chiếm 65ha (gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức); khu vực phía tây chiếm 92ha (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh); khu vực phía nam chiếm 75ha (quận 7, huyện Nhà Bè và Cần Giờ); khu vực phía bắc rộng 100ha (quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi)…
Người dân xếp hàng chờ tới lượt khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Như Ý |
Tương tự, theo đề án phát triển BV năm 2007, sẽ có 4 BV cửa ngõ vào TP Hồ Chí Minh được xây dựng gồm: BV Nhi đồng (phía tây) 1.000 giường; BV Đa khoa Củ Chi (phía bắc) 1.000 giường; BV Đa khoa Thủ Đức (phía đông) 1.000 giường; BV Đa khoa khu vực Hóc Môn (phía bắc) 1.000 giường bệnh. Khi hoàn thành, các BV này sẽ phục vụ cho dân cư tại chỗ, thu hút người dân từ các tỉnh về khám, chữa bệnh ngay tại cửa ngõ để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Giai đoạn 1 của các dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, tất cả các BV này đến nay vẫn là những chiếc "bánh vẽ" khổng lồ và đã qua 3 đời giám đốc Sở Y tế, dù rất cố gắng nhưng cũng không làm thỏa được "cơn khát" BV.
Đến BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, tôi hết sức ngạc nhiên vì sau nhiều năm được phê duyệt, khu đất 2ha dự định xây cơ sở mới nằm kế bên BV cũ vẫn chỉ là đồng lúa. Bác sĩ Đỗ Kim Hoàng, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Hóc Môn giãi bày: "Thực ra, quy hoạch mở rộng BV Hóc Môn với 1.000 giường bệnh đã có từ năm 2001. Nhưng 10 năm nay, chẳng có bước tiến đáng kể nào. BV đã hoàn thành lập dự án, thuê tư vấn thiết kế, khoan thăm dò địa chất, lên phương án thi công, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công trong năm 2011. Nhưng như tình trạng hiện nay thì chưa biết đến bao giờ dự án mới khởi công".
Tương tự như dự án BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, hầu hết chủ đầu tư các dự án BV cửa ngõ chưa nhận được quỹ đất, ngoài hai dự án BV Ða khoa khu vực Thủ Ðức và BV Nhi đồng có sẵn quỹ đất từ trước. Ðáng lo ngại là mặc dù không khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng BV Ða khoa khu vực Thủ Ðức cũng chỉ dừng lại ở khâu thăm dò địa chất, thiết kế kiến trúc. Theo kế hoạch, dự án này được khởi công vào tháng 9-2011, nhưng do không triển khai kịp nên đã tách riêng phần san lấp mặt bằng để thi công trước. Lý do được đơn vị này đưa ra là thủ tục mất nhiều thời gian khiến cho các hạng mục triển khai chậm. Bên cạnh đó, nhiều dự án gặp khó khăn về vốn, tiêu biểu là dự án BV Ða khoa khu vực Củ Chi năm 2011 xin cấp vốn 5 tỷ đồng để chi trả việc đánh giá tác động môi trường, tuyển chọn nhà thiết kế nhưng chỉ được cấp 1 tỷ đồng. Nhiều chủ dự án băn khoăn về việc bảo đảm nguồn vốn khi triển khai xây dựng.
Trong cuộc họp với Bộ Y tế gần đây, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Phạm Việt Thanh nêu một thực trạng đáng buồn là quy trình thủ tục xét duyệt dự án xây dựng một BV kéo dài 3-5 năm. "TP Hồ Chí Minh đã xin cơ chế có hẳn một phó giám đốc chuyên ngành xây dựng, quy hoạch để lo công việc này nhưng đến nay công việc vẫn chưa có gì khả quan" - ông Thanh nói.
Bắc thang lên hỏi ông trời!
Giám đốc BV Ða khoa khu vực Hóc Môn Ðỗ Kim Hoàng cho biết thêm, khó khăn nhất hiện nay của tất cả các dự án BV cửa ngõ là khâu GPMB. Chỉ tay vào khu đất dự kiến xây BV mới, bác sĩ Hoàng băn khoăn "Năm 2010, chủ đầu tư dự án đã thỏa thuận được giá đền bù, nhưng người dân chưa kịp nhận tiền thì lại có nghị định về khung giá đất đền bù mới. Từ khi có đường song hành với quốc lộ 22 chạy gần khu đất dự kiến xây BV, giá đất ở đây tăng chóng mặt trong khi giá đền bù sau nhiều lần điều chỉnh, vận dụng hết mức các chính sách đặc thù cũng chỉ ở mức gần 2,1 triệu đồng/m2, thấp hơn 5 lần so với giá thị trường nên dân không chịu. TP phê duyệt tiền đền bù đất cho dự án là 42 tỷ và tiền xây mới là 1.300 tỷ đồng nhưng tình hình bão giá như hiện nay không biết rồi sẽ ra sao".
Tương tự như BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, các dự án khác như: BV Đa khoa khu vực Củ Chi, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BV Mắt, BV Chấn thương chỉnh hình đều vướng khâu GPMB. Hàng loạt dự án khác như dự án: BV Ung bướu (cơ sở 2 ở quận 9), BV Tâm thần; dự án di dời BV Đa khoa Sài Gòn, dự án Viện trường của ĐH Y Dược (100 ha) tại Khu đô thị Tây Bắc… vẫn chưa có lối ra khả quan. Dự án BV Nhi đồng mặc dù đã họp lên họp xuống với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng đến nay chỉ mới thực hiện xong công tác điều tra, kiểm kê để lập dự án bồi thường. Mỗi khâu bị chậm trễ sẽ đồng loạt kéo lùi dự án lại cả năm trời.
Ngoài khó khăn do thiếu "đất sạch", ngành y tế TP Hồ Chí Minh còn vướng ở khâu tài chính. Từ năm 2008, Sở Y tế đã trình các dự án kêu gọi đầu tư vào y tế, song hầu như rất ít nhà đầu tư quan tâm. Trong khi các BV công muốn nâng cấp, cải tạo, xây mới, mua sắm thiết bị đều phải vay vốn kích cầu. Mặc dù vốn vay không trả lãi nhưng các nhà đầu tư vẫn rất e ngại bởi đầu tư y tế kỹ thuật cao đòi hỏi chi phí lớn nhưng khả năng thu hồi vốn lại lâu.
Đáng nói hơn cả là sau khi vượt qua cả một rừng thủ tục hành chính, bố trí được vốn thì cũng không khởi công được dự án. "Chúng tôi đã có tiền nhưng "vướng" Nghị quyết 11 về giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát. Nếu được Chính phủ xem xét coi đây là các dự án dân sinh thiết yếu và cho khởi công thì đến năm 2015 sẽ có nhiều BV mới ra đời, giảm tải cho hệ thống BV hiện nay. Cụ thể, đến năm 2014 sẽ hoàn thành xong các BV: Nhi đồng, Ung bướu cơ sở 2, Chấn thương chỉnh hình và mở rộng BV Đa khoa Thủ Đức. Đến năm 2015, có thêm 3 BV mới nữa được hoàn thành và khi đó tình hình quá tải căn bản sẽ được giải quyết. Bộ Y tế cũng cần tăng cường đầu tư, đào tạo thêm cho y tế cơ sở các tỉnh để hạn chế tình trạng vượt tuyến, chuyển viện như hiện nay" - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận nói.
Rõ ràng, cơ chế là do con người làm ra để phục vụ con người nhưng việc phá bỏ nó, trong bối cảnh này là sự ì ạch trong xây mới các BV lại khó như "bắc thang lên hỏi ông trời". Ngược lại, các tòa cao ốc, trung tâm thương mại, giải trí, vũ trường, karaoke, rạp hát, sân golf… ra đời liên tục. Bởi nói gì thì nói, giường bệnh không sinh lãi lớn như các căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại. Thực trạng ấy ai cũng biết, nhìn thấy và cảm nhận được nhưng bắt tay vào thực hiện lại vô vàn lý do để người ta nản lòng. Không ai khác, bệnh nhân chính là đối tượng thiệt thòi mà chẳng biết kêu ai.