Nơi kiên quyết, nơi lúng túng
Xã hội - Ngày đăng : 08:49, 07/01/2012
Chương Mỹ là huyện đầu tiên của TP tổ chức tháng ra quân xóa lò gạch thủ công một cách bài bản nhưng trong quá trình thực hiện đã vấp phải nhiều khó khăn khi đa số các hợp đồng đã ký kết còn chưa hết hạn, bên cạnh đó là một số hợp đồng ký sai nguyên tắc. Điều đó thực sự gây lúng túng cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện xóa các lò gạch thủ công trên địa bàn.
Phá dỡ lò gạch ở xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Chí Đạo
Vào cuộc quyết liệt, nhiều xã đã hoàn thành kế hoạch
Những ngày đầu năm 2012, giữa cái lạnh xuống dưới 10 độ C nhưng không khí tại những xã dọc sông Bùi (huyện Chương Mỹ) vẫn hết sức "nóng" vì chiến dịch xóa lò gạch. Hàng trăm vỏ lò đốt gạch thủ công nằm dọc con sông đã gắn bó với cuộc sống người dân ở đây hàng chục năm nhưng nay phải dỡ bỏ vì ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng đã chọn xã Nam Phương Tiến, một trong những nơi tập trung nhiều lò gạch của huyện Chương Mỹ làm điểm để ra quân phá dỡ trong đợt này. Chỉ trong một ngày, lực lượng liên ngành gồm công an, quân đội, chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của máy xúc đã "san phẳng" 20 lò gạch. Những vỏ lò còn lại đang đốt dở nên chính quyền tạm cho chủ lò ký cam kết khi đốt xong phải tự tháo dỡ. Ông Đỗ Văn Giong (thôn Nhân Lý) dù rất phấn khởi khi thấy cách làm cương quyết của đợt này nhưng cũng không khỏi băn khoăn: "Từ nay, người dân thôn Nhân Lý không phải ngửi khói lò. Nhưng trước mắt, hàng trăm lao động sẽ gặp không ít khó khăn khi mất đi công việc ổn định trong nhiều năm qua".
Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, toàn huyện hiện có 186 vỏ lò gạch, ngói thủ công ở 14/32 xã, thị trấn. Trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Tốt Động, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Đông Phương Yên. Thực hiện kế hoạch xóa lò gạch thủ công, đến hết ngày 5-1 đã có 63/186 vỏ lò được tháo dỡ. Một số xã đã hoàn thành tháo dỡ 100% như Thụy Hương, Phụng Châu, Phú Nam An, Mỹ Lương, Tiên Phương.
Viện lý do, không ít xã "án binh bất động"
Trong khi nhiều địa phương rốt ráo vào cuộc thì một số xã lại lúng túng. Tuy là tháng cao điểm nhưng đến ngày 5-1, 100% số lò gạch thủ công của xã Hoàng Văn Thụ vẫn nhởn nhơ nhả khói. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hoài Thi cho biết, xã có 19 lò gạch thủ công của 13 chủ lò đang hoạt động. Tuy nhiên tất cả các lò này hiện vẫn còn hợp đồng thuê đất với các thôn, xã từ 7 tháng đến 7 năm nữa, trong khi chủ lò đã nộp tiền thuê đất từ lâu nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Theo quan sát của PV Báo Hànộimới, trong số 19 lò gạch thủ công ở xã Hoàng Văn Thụ có 6 vỏ lò của các hộ ông Đinh Văn Thống, Cao Đình Giang, Cao Đình Phổ ở thôn Công An nằm ngay trên hành lang đê sông Bùi, thậm chí có vỏ lò "đua" ra giữa sông, gây cản trở dòng chảy nghiêm trọng và đe dọa sự an toàn của cơ đê. Tuy nhiên, khi hỏi về lộ trình xử lý, đại diện lãnh đạo xã Hoàng Văn Thụ cho rằng, các chủ lò vẫn còn hợp đồng đến tháng 1-2013. Vì vậy, xã đang đề nghị huyện gia hạn hoạt động đến hết tháng 12-2012 để các hộ tận thu nguyên liệu.
Không riêng Hoàng Văn Thụ, nhiều xã khác như Đại Yên, Ngọc Hòa... hiện vẫn còn rất nhiều lò gạch thủ công đang nhả khói nghi ngút. Tại xã Đại Yên, khói nồng nặc của một cặp lò đang đốt đã bao trùm cả khu dân cư Yên Khê. Tuy nhiên, khi PV đặt lịch làm việc với chính quyền xã để tìm hiểu nguyên nhân thì cán bộ văn phòng UBND xã lại đưa ra lý do: "Tết đến nơi, lãnh đạo xã bận họp nên không thể gặp được!?".
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hồng Quang thừa nhận, sự vào cuộc của chính quyền các xã hiện còn chưa đồng bộ, nơi tích cực, nơi lại thiếu kiên quyết. Theo ông Đỗ Hồng Quang, thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội, Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác xử lý lò gạch, ngói thủ công - "Quan điểm của huyện là giải tỏa triệt để lò gạch, ngói thủ công, kể cả các lò còn hợp đồng khai thác đất với chính quyền địa phương, tuy nhiên, việc xử lý phải thực hiện theo lộ trình cụ thể". Theo đó, đối với lò gạch thủ công hết hợp đồng khai thác đất, lò nằm trên và trong cơ đê hoặc tự ý khai thác đất, lấn chiếm đất công, huyện tập trung tháo dỡ và hoàn thành trong tháng 1-2012. Đối với những lò còn hợp đồng hoặc nằm trong vùng quy hoạch sản xuất vật liệu tập trung, huyện sẽ mời các cơ quan tư pháp tư vấn cho các xã chấm dứt hợp đồng với chủ lò. Đồng thời huyện chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị hướng dẫn chủ lò từng bước chuyển đổi công nghệ từ sản xuất gạch thủ công sang áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước giải tỏa lò gạch thủ công, phấn đấu đến hết quý I năm 2012 hoàn thành. Về kế sinh nhai cho người dân sau khi tháo dỡ lò gạch, huyện Chương Mỹ đã đề nghị UBND TP Hà Nội hỗ trợ 20 triệu đồng/chủ lò; hỗ trợ kinh phí dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động.