Chặt chẽ trong “hậu kiểm”

Giáo dục - Ngày đăng : 07:44, 07/01/2012

(HNM) - Đó là bài học kinh nghiệm của ngành GD-ĐT Hà Nội sau 6 năm (2004-2010) thực hiện Chỉ thị 35/CT-TU và Kế hoạch 79/KH-UB về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.


Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng GD-ĐT, trình độ đội ngũ được đánh giá cao. Song, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) đã xuất hiện tình trạng không đồng đều về chất lượng đội ngũ giữa các địa bàn. Khó khăn lớn nhất khi ấy là cấp học mầm non chỉ có khoảng 88% số giáo viên (GV) đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong khi ở các cấp học khác, tỷ lệ này đều ở mức trên dưới 98%. Chế độ, chính sách cho GV cũng chưa thống nhất giữa các địa bàn.


Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục Hà Nội trong giai đoạn mới.  Ảnh: Bá Hoạt

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đội ngũ nhà giáo là tài sản quý giá nhất của mỗi trường học và là nền tảng để nâng cao chất lượng GD-ĐT. Vì vậy, xây dựng và cải thiện chất lượng đội ngũ được coi là nhiệm vụ trọng tâm được toàn ngành triển khai từ nhiều năm nay với nhiều giải pháp đồng bộ. Nguồn kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, GV hằng năm đều tăng gấp đôi so với năm trước. Theo thống kê, hơn 60 tỷ đồng đã được dành để phục vụ công tác này, trong đó, riêng năm 2011 đã là 15,75 tỷ đồng, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2005. Công tác tuyển dụng được phân cấp cụ thể với những yêu cầu về chất lượng gắn liền với khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Gần 8.000 giáo viên và 3.000 nhân viên đã được bổ sung cho các nhà trường, góp phần khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu về GV và kịp thời hạn chế tình trạng "đứng nhầm" bục giảng.

Việc hoàn thiện và ban hành một số chính sách cho đội ngũ, giúp các thầy, cô yên tâm gắn bó với nghề đã có tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Trong đó, đáng kể nhất là những chính sách góp phần làm thay đổi diện mạo nhà trường và cuộc sống của các cô giáo mầm non, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành. Lần đầu tiên sau vài chục năm cống hiến, các GV vùng nông thôn được hỗ trợ hằng tháng một khoản bằng mức lương cơ bản, được hưởng phụ cấp đứng lớp và được đóng bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách. Với những người đã gắn bó với ngành học mầm non bao năm nay ở những nơi khó khăn, chính sách này không chỉ giúp họ bớt đi phần nào nỗi lo toan về cuộc sống, mà còn là sự ghi nhận những đóng góp của họ, là động lực thúc đẩy họ thêm gắn bó với trường, lớp. Nhờ thế, chất lượng đội ngũ được cải thiện hơn. Các nhà trường có thêm nhiều điều kiện để hỗ trợ các cô đi học, nâng cao trình độ. Tính đến năm học 2011-2012, toàn ngành đã có hơn 98% GV mầm non đạt chuẩn. Sự chênh lệch về chất lượng đội ngũ GV ở các cấp học, các địa bàn giảm đi nhiều. Khoảng cách về thu nhập giữa GV trong - ngoài biên chế và giữa các vùng dần được thu hẹp.

Tăng cường “hậu kiểm”

Theo đánh giá của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, một trong những hạn chế lớn nhất trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ thời gian qua là việc đánh giá chất lượng cán bộ quản lý, GV hằng năm ở một số cơ sở còn nặng tính hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất kết quả các mặt hoạt động, gây ảnh hưởng đến chất lượng GD-ĐT. Để khắc phục tình trạng này, Kế hoạch 111/KH-UB của UBND TP về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2011-2016 đã yêu cầu 100% số cơ sở giáo dục phải thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp GV công khai và đúng thực chất. Tiêu chí đặt ra với mỗi GV là đạt chuẩn trình độ đào tạo, lại phải chuẩn về đạo đức, năng lực sư phạm, kỹ năng giao tiếp…

Nói về hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận, dù kinh phí dành cho việc này hằng năm đều tăng song vai trò của nhà trường chưa thực sự được quan tâm. Vì thế, sắp tới, việc đánh giá GV phải dựa trên cả quy trình trước - trong - sau khi được đào tạo, bồi dưỡng. Nhà trường, với vai trò là nơi sử dụng lao động, biết rõ "người nhà mình" thiếu gì, cần bổ sung gì, nên sẽ phải chủ động đưa ra "đầu bài" cho đơn vị bồi dưỡng. Khâu "hậu kiểm" cũng phải được coi trọng hơn với yêu cầu nhà trường phải quan tâm xem sau khi đi bồi dưỡng về, GV đã áp dụng được những gì, phổ biến ra sao cho đồng nghiệp… Nếu GV chưa "ngấm" hết nội dung bồi dưỡng đợt này đã lại tham gia đợt bồi dưỡng khác thì việc bồi dưỡng sẽ không hiệu quả, lãng phí cả về thời gian và chi phí.

Kiểm điểm sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 35/CT-TU và Kế hoạch 79/KH-UB, tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP chưa có nhà giáo nào vì năng lực yếu, kém, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà phải chịu hình thức xử lý kỷ luật. Thực tế cho thấy, sự nể nang, hình thức hoặc cảm tính trong đánh giá không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng GD-ĐT ở các nhà trường, mà còn làm thui chột ý chí quyết tâm, phấn đấu của nhiều nhà giáo. Cho đến nay, các cấp quản lý cũng chưa ban hành được một kế hoạch hoặc biện pháp gì để làm "cây gậy" pháp lý, giúp các nhà trường giải quyết những trường hợp GV, cán bộ quản lý không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì thế, việc mạnh tay hơn với những trường hợp này, ví như có thể cho luân chuyển nhiệm vụ, đi nơi khác hoặc thậm chí buộc thôi việc, đang là đòi hỏi cấp thiết được đặt ra cho toàn ngành trong công tác xây dựng đội ngũ từ nay tới năm 2016.

Thống Nhất