Thách thức và cơ hội
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 07/01/2012
Song để đạt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải thực hiện tái cơ cấu trên 3 lĩnh vực then chốt: đầu tư công, DNNN và tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng. Đây là những nội dung chính được bàn luận tại Hội thảo "Cập nhật kinh tế vĩ mô của Việt Nam - xu hướng và dự báo cho năm 2012" do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tổ chức ngày 6-1 tại Hà Nội.
Tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng là một trong ba lĩnh vực cần nhanh chóng thực hiện để phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Ảnh: Lã Anh Tuấn
Nền kinh tế tiếp tục có bước đột phá
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) có những ý kiến khá lạc quan về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012. Theo ông, mặc dù kinh tế nước ta đang phải đối phó với nhiều khó khăn như tỷ lệ lạm phát và lãi suất ngân hàng ở mức cao, thị trường vốn ảm đạm… song những kết quả từ việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP trong năm 2011 đã giúp kinh tế đạt những kết quả khả quan. GDP tăng gần 6%, xuất khẩu tăng 33% và nhập siêu có chiều hướng giảm. Đặc biệt, cán cân thanh toán đã bội thu 3 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ được cải thiện và tỷ giá được giữ ổn định trong những tháng cuối năm… Những kết quả này là tiền đề quan trọng để nước ta thực hiện những mục tiêu phát triển KT-XH năm 2012.
Ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, lần đầu tiên Chính phủ đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về việc thay đổi cơ cấu điều hành kinh tế vĩ mô. Với Nghị quyết 11, mục tiêu phát triển ổn định nền kinh tế đã được Chính phủ đặt lên hàng đầu thay vì mục tiêu tăng trưởng cao đặt ra trước đó. Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đi trong ngày đầu năm mới một lần nữa khẳng định quyết tâm đó của Chính phủ.
Nhận xét về xu hướng tỷ giá và lãi suất, hai vấn đề thiết yếu tác động đến cộng đồng DN, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh vốn và thị trường tiền tệ, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, với sự điều hành khá mềm dẻo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khả năng, lãi suất và tỷ giá năm 2012 sẽ ổn định hơn. Hai khả năng được dự báo là lãi suất ngân hàng sẽ theo xu hướng giảm và tỷ giá sẽ điều chỉnh tăng ở mức hợp lý chứ không điều hành theo hướng "giật cục", gây khó khăn cho DN như giai đoạn trước.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OCED dự báo, triển vọng tăng trưởng kinh tế tại một số quốc gia khu vực Châu Á năm 2012 ở mức khá cao (từ 6 đến 8%), trong khi đó, khu vực Châu Âu và Nhật Bản trung bình chỉ ở mức 1,6%. Kết quả này cho thấy, nếu Việt Nam kiên trì đường lối đã thực hiện trong năm 2011, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được giữ ổn định. Song, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những yếu kém nội tại như tỷ lệ lạm phát cao, hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng làm ăn kém hiệu quả của khối DNNN sẽ tạo ra trở lực lớn cho công cuộc phát triển.
Tái cơ cấu nền kinh tế, bắt đầu từ đâu?
Tại Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI (diễn ra từ ngày 6 đến 10-10-2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ mục tiêu trong giai đoạn tới là đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, 3 lĩnh vực ưu tiên cần tái cơ cấu là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Để thực hiện tái cơ cấu đầu tư, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, bên cạnh việc huy động hợp lý tổng mức đầu tư xã hội, cân đối ngân sách, cán cân thanh toán, nợ công và nợ nước ngoài, cần giảm tỷ trọng đầu tư công đi kèm với cải thiện hiệu quả đầu tư công; cần ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Đề án tái cơ cấu DNNN do Bộ Tài chính soạn thảo, GS.TS Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ Tài chính, đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm thực hiện tái cấu trúc khối DNNN. Theo đó, sẽ sắp xếp DNNN thành các nhóm: Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngược lại để tái cơ cấu từng phần. Thứ hai, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại DN. Thứ ba, tái cấu trúc từng DNNN theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cuối cùng là đổi mới năng lực quản lý, giám sát của Nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Với hệ thống tài chính, ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cần sớm rà soát lại số lượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh, phòng giao dịch theo hướng tinh gọn nhằm giảm chi phí hoạt động, giảm sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực giám sát, quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong hệ thống tài chính, ngân hàng, từ đó tạo ra một hành lang bền vững cho việc giữ ổn định an ninh tài chính quốc gia.