Khi Liên hợp quốc thắt lưng buộc bụng

Thế giới - Ngày đăng : 07:51, 06/01/2012

(HNM) - Cắt giảm chi tiêu giờ không còn là chuyện của riêng Châu Âu hay những quốc gia đang gặp vấn đề về cán cân thu chi. Trước những khó khăn của các quốc gia thành viên, Liên hợp quốc (LHQ) đã quyết định giảm ngân sách năm 2012-2013 xuống 5,15 tỷ USD, thay vì 5,41 tỷ USD của năm trước đó.


Không bao gồm chi phí cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và các tòa án quốc tế ước tính lên đến khoảng 7 tỷ USD, việc lần đầu tiên kể từ năm 1998 và lần thứ hai trong nửa thế kỷ qua LHQ phải giảm chi tiêu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chạm tới tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Cũng giống như các cuộc thương thuyết về ngân sách trước đó, lần thảo luận mới nhất đã diễn ra vô cùng khó khăn và đặc biệt phức tạp chỉ kết thúc khi thế giới bắt đầu chào đón Thiên chúa Giáng sinh. Tranh cãi xung quanh chủ đề các nước phát triển muốn giữ nguyên mức chi tiêu cũ trong khi Mỹ và Châu Âu bảo vệ quan điểm kiên quyết cắt giảm. Mặc dù chỉ tiết kiệm được 260 triệu USD so với năm cũ, nhưng quyết định co hẹp ngân sách của LHQ có ý nghĩa biểu tượng khá cao khi phản ánh một sự thật là tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh đã bắt đầu thực hiện tiết kiệm chi tiêu. Khi các nhà tài trợ chính như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản đang gặp nhiều vấn đề tài chính, tuyên bố của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về khả năng LHQ sẽ còn phải tiếp tục chấp nhận những đợt cắt giảm mới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Sự nhất trí của Đại hội đồng LHQ đối với chính sách thắt lưng buộc bụng có lẽ là thông tin khiến những quốc gia chủ trương giảm chi hài lòng nhất. Kinh tế trong nước khó khăn là nguyên nhân làm các chính phủ đương nhiệm bị người dân phàn nàn vì những nghĩa vụ đóng góp cho LHQ. Mỹ đã xem đây là quyết định quan trọng vì sẽ giúp tiết kiệm tiền đóng thuế của người dân song vẫn không ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức 193 thành viên.

Để thực hiện tốt vai trò của mình trong điều kiện nguồn ngân sách không còn dồi dào như trước, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã đề cao việc tận dụng tối đa các tài nguyên sẵn có, thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm gồm phí đi lại, thậm chí cả các đồ dùng, trang thiết bị văn phòng. Sự chủ động của LHQ trước sự biến động tài chính là động thái có ý nghĩa, thể hiện sự chia sẻ của tổ chức này đối với thực trạng không sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng khiến dư luận tin tưởng rằng LHQ sẽ vẫn giữ vững vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và giữ gìn ổn định, hòa bình cho thế giới.

Minh Nhật