Đẩy mạnh cổ phần hóa viễn thông di động

Xe++ - Ngày đăng : 07:42, 06/01/2012

(HNM) - Nhiều năm qua, ngành viễn thông đã đạt được những mốc phát triển mạnh mẽ. Nhưng, theo các chuyên gia, trong hai năm gần đây đã bộc lộ nhiều nguy cơ, thách thức. Đó là lý do năm 2012 toàn ngành và các DN phải điều chỉnh chiến lược, nếu không muốn bị phá sản.



Các doanh nghiệp viễn thông cần có chiến lược cụ thể để phát triển toàn diện hệ thống trong giai đoạn mới. Ảnh: Thanh Hải


Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là thị trường đã bão hòa (về mật độ điện thoại, lưu lượng cuộc gọi) nên khó có tăng trưởng cao. Nhưng, để giữ chân và thu hút thuê bao, các nhà mạng phải đưa ra chương trình khuyến mãi, trong đó có không ít gói cước có giá bán dưới giá thành và đây là nguy cơ khiến cho chỉ số APRU (doanh thu bình quân/thuê bao) bị giảm mạnh. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã cảnh báo, nếu các nhà cung cấp dịch vụ cứ bán giá dưới giá thành có thể sẽ gây ra sụp đổ DN. Doanh thu giảm đương nhiên lợi nhuận giảm kéo theo việc nhà mạng không có tiền để tái đầu tư vào mạng lưới dẫn đến chất lượng dịch vụ giảm.

Trên thực tế, từ giữa năm 2011 đến nay, chất lượng dịch vụ của cả 3 nhà cung cấp dịch vụ chiếm thị phần khống chế Viettel, Mobifone, Vinaphone đều có vấn đề. Chẳng hạn, khi thuê bao thực hiện cuộc gọi thường nhận được tín hiệu "tò te tí" cho dù số thuê bao được gọi vẫn mở, hoặc cuộc gọi đang kết nối lại bị "rớt" sóng... Một nguyên nhân khác khiến thị trường thiếu bền vững là có quá nhiều DN cung cấp dịch vụ di động (trước có 7 nhà mạng, từ ngày 1-1-2012 EVN Telecom sáp nhập vào Viettel nên còn 6 DN; cộng với hai mạng ảo là Đông Dương và VTC) đã xảy ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn, do phải sử dụng nhiều tài nguyên tần số, kho số; băng thông cấp cho nhiều DN, suất đầu tư tăng, giá thành sẽ cao... và chỉ có những DN lớn, mạnh thực sự mới có thể trụ vững, còn những DN nhỏ, DN mới có thể bị phá sản. Thực tế, với một thị trường 87 triệu dân như Việt Nam, chỉ nên có 3 đến 4 DN là đủ. Điển hình là EVN Telecom sau thời gian gia nhập thị trường di động đã thua lỗ phải sáp nhập vào Viettel; S-Fone đang hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn; Đông Dương Telecom và VTC dù đã nhận giấy phép hai năm nay, nhưng chưa thể triển khai dịch vụ như đã hứa hẹn...

Những nguyên nhân trên có thể gây ra đổ vỡ thị trường viễn thông, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và Nhà nước. Nếu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các DN không có định hướng, có thể gây ra những bất ổn. Vì vậy, tại cuộc tọa đàm với chủ đề "Triển vọng viễn thông năm 2012" do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng, một trong những việc quan trọng cần thực hiện là phải đẩy mạnh việc cổ phần hóa DN. Vì hầu hết các DN cung cấp dịch vụ di động đều là DN nhà nước với hơn 90% tài sản của mạng viễn thông là của Nhà nước, mà bên cạnh những mặt tích cực thì cũng bộc lộ những hạn chế như chưa thực sự cạnh tranh, hiệu quả về quản lý và đầu tư vẫn chưa cao. Tháng 4-2012, Chính phủ có Nghị định 25 yêu cầu VNPT không được sở hữu 100% vốn tại hai mạng di động Vinaphone và Mobifone, chỉ được "nắm" không quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần một trong hai mạng di động này...

Tuy nhiên, với việc EVN Telecom sáp nhập vào Viettel thì Nghị định 25 có còn phù hợp trong tình hình hiện nay? Giả sử VNPT lựa chọn phương án sáp nhập hai nhà mạng làm một, thì khi đó, thị trường có trở về thế độc quyền? Về vấn đề này, một thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, bản thân các DN luôn muốn độc quyền (về dịch vụ), nhưng Nhà nước thì luôn phải tạo ra môi trường lành mạnh cho DN hoạt động bình đẳng, không thể để cho DN độc quyền. Vị lãnh đạo này khẳng định, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ kiên quyết thực hiện cổ phần hóa để có thị trường cạnh tranh.

Việt Nga