Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thủy thủ tàu Vinalines Queen
Đời sống - Ngày đăng : 07:20, 06/01/2012
Bộ trưởng Đinh La Thăng cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ tìm kiếm cứu nạn tàu Vinalines Queen của các lực lượng Nhật Bản trong thời gian qua. Tham tán công sứ Đại sứ Nhật Bản, ngài Kitano Mitsuru bày tỏ sự thông cảm sâu sắc về sự cố của tàu Vinalines Queen và khẳng định sẽ báo cáo Chính phủ Nhật Bản, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm trong khả năng có thể, dù vị trí tàu gặp nạn cách xa vùng biển Nhật Bản. Ngài Kitano Mitsuru khẳng định công tác tìm kiếm cứu nạn là vô cùng quan trọng và Chính phủ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực cho công tác này.
Anh Đậu Ngọc Hùng, thuyền viên duy nhất trở về tính đến thời điểm này.
Trước đó, 18h40 ngày 4-1, chuyến bay mang mã số VN 660 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam từ Singapore chở thủy thủ Đậu Ngọc Hùng - người sống sót duy nhất trên con tàu Vinalines Queen, đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Sự may mắn có thể nói là thần kỳ đã đem lại niềm vui vô bờ bến và trọn vẹn cho gia đình anh Hùng.
Năm ngày chống chọi với bão tố giữa biển khơi
Trong buổi gặp mặt báo chí diễn ra ngay sau đó, anh Hùng đã trấn tĩnh để kể lại về thảm họa với con tàu Vinalines Queen và hành trình 5 ngày lênh đênh trên biển giành lại sự sống của mình. Anh kể: "Lúc phát hiện ra tàu nghiêng, thuyền trưởng đã cấp tốc thông báo trên loa, đồng thời yêu cầu các thuyền viên mặc áo phao cá nhân và quần áo chống mất nhiệt chờ sẵn trên boong để sẵn sàng hạ xuồng cứu sinh. Tuy nhiên, lúc đó biển động rất mạnh. Cột sóng cao đến 5-6m trùm qua cả con tàu nên không ai kịp trở tay. Trong phút chốc, tàu chìm nghỉm vào làn nước. Tôi đang đứng trên boong và chìm theo, không kịp nhìn thấy bất cứ ai nữa. Sau khi bị nhiều con sóng dữ vùi dập, tôi ngoi lên được mặt biển và may mắn bám được vào một chiếc phao bè. Đây là chiếc phao tự thổi, có sức chứa tới 25 người nhưng chỉ một mình tôi bám được. Sau một ngày lênh đênh giữa sóng nước, phao đã bị cơn bão cấp 9-10 đánh thủng nên tôi lại bị sóng hất xuống biển. May mắn lại đến với tôi khi đúng lúc này, tôi bám được vào chiếc xuồng cứu sinh số 2 của con tàu. Điều tôi cảm thấy đau đớn là chiếc xuồng này đủ chỗ cho nhiều người nhưng chỉ có một mình tôi bám được. Xuồng do Nhật Bản thiết kế, rất an toàn nhưng do lực va đập của cơn bão nên đã bị hỏng phần máy, chỉ tự trôi mà không điều khiển được.
Trên xuồng có sẵn nước ngọt, lương khô, đó là những thứ cần thiết để tôi duy trì sự sống trong suốt 5 ngày cho đến khi được tàu London Courage (Anh) cứu sống. Lúc đó, tôi bị chấn thương nhẹ ở phần hông nhưng đã được các bạn nước ngoài chăm sóc hết sức tận tình chu đáo và thông tin về sự sống sót của tôi đã được nhanh chóng truyền về cho người thân. Số phận của con tàu, của bạn bè tôi và cá nhân tôi đã nhận được sự quan tâm lớn lao của các cơ quan chức năng cũng như biết bao người ở nhà. Đó là nguồn động viên tinh thần và chia sẻ lớn lao với tất cả những gì tôi đã trải qua. Hiện tôi chỉ có điều mong ước lớn nhất là tìm được tất cả đồng đội.
Nhiều chuyên gia hàng hải có mặt tại cuộc họp báo đều khẳng định, khi con tàu chìm xuống biển với sức hút của khoảng 70-80 nghìn tấn, việc anh Hùng còn sống sót quả là vô cùng kỳ diệu. Ngoài sự may mắn còn phải kể đến sức mạnh tinh thần và nội lực vô cùng lớn lao của bản thân anh trong suốt hơn 100 giờ đồng hồ giành giật sự sống giữa những cơn sóng của biển khơi.
Nỗ lực tìm kiếm đến cùng
Những giây phút cuối cùng của con tàu cùng số phận không may mắn của 22 thuyền viên đã được ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Vinalines khẳng định, đó là lúc 6h58 ngày 24-12-2011, nhận được điện của thuyền trưởng thông báo con tàu đã chạy theo hướng 240 độ. Đến 17h, công ty liên lạc với tàu để chỉ dẫn vẫn hành trình theo hướng này để tới nơi an toàn gần nhất. Sau thời điểm này thì công ty không còn liên lạc được với tàu. Công ty tìm mọi cách liên lạc với tàu bằng mọi hệ thống, các tàu trên biển, các đài, các công ty có tàu ở khu vực gần đấy để xem có tín hiệu gì từ tàu Queen hay không.
Đến 14h21 ngày 25-12-2011, công ty liên lạc yêu cầu trung tâm cứu nạn của Cục Hàng hải phối hợp với cơ quan tìm kiếm cứu nạn ở khu vực để có thông tin về con tàu này. Chiều cùng ngày, với sự trợ giúp các trung tâm thì tàu Đài Loan có ra khu vực tìm kiếm song do thời tiết xấu nên họ quay trở về. Ngày hôm sau cũng tiếp tục ra song lại phải quay về. Ngày 25-12-2011, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Philippines cho biết, do thời tiết xấu ở khu vực hoạt động của tàu nên họ không thể tiếp cận. Ngày 26-12-2011, lực lượng tìm kiếm của Nhật Bản đã hỗ trợ cùng công ty vào cuộc. Không bỏ chút hy vọng mong manh nào, ngày 26-12-2011, công ty thuê trực thăng ra tìm kiếm trong hai ngày 26 và 27-12-2011. Ngày 27-12-2011, lực lượng tìm kiếm do công ty thuê đã cử máy bay cứu hộ bay rà soát xung quanh khu vực tìm kiếm. Đến 9h ngày 27-12-2011 thì phát hiện một vết dầu loang, chiều dài 1,2 hải lý. Tuy nhiên, việc phát hiện vết dầu loang cũng chưa thể kết luận được con tàu trong tình trạng thế nào. Đến ngày 30-12-2011, nhận được tin Đậu Ngọc Hùng được tàu của Anh đã cứu được. Ông Hạnh kể lại toàn bộ diễn biến công việc tìm kiếm 22 thủy thủ trong nỗi xúc động.
Ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải biển Vinalines cho biết, việc tìm kiếm số thuyền viên còn lại vẫn đang và sẽ tiếp tục diễn ra như một sứ mệnh nhân văn cao cả. Về việc bảo hiểm tai nạn thì tàu Vinalines Queen được mua với giá cao nhất tổng cộng là 40.000 USD. "Đối với Công ty Vận tải biển Vinalines thì đây là thiệt hại lớn nhất. Đối với tôi và những thuyền trưởng, người thầy của tôi ở Trường Hàng hải thì đây là một điều bí hiểm. Con tàu được trang bị rất nhiều trang thiết bị hiện đại. Tôi xin chờ kết quả điều tra của những chuyên gia về hàng hải trên thế giới lý giải" - ông Việt giãi bày.
Lãnh đạo Vinalines cho biết sẽ nỗ lực đến cùng để tìm kiếm 22 người mất tích với tinh thần khẩn trương hơn. Dư luận cả nước đang đau đáu dõi theo từng bước hành trình của cuộc tìm kiếm này và không ít người vẫn nuôi hy vọng về sự may mắn thần kỳ đã đến với thủy thủ Đậu Ngọc Hùng sẽ được lặp lại...