“Hụt hơi” trên sân nhà

Xe++ - Ngày đăng : 07:13, 06/01/2012

(HNM) - Theo hãng nghiên cứu thị trường Emarketer, doanh thu của Facebook năm 2011 đạt khoảng 4,27 tỷ USD và lên tới 6,9 tỷ USD trong năm 2012, với khoảng 1 tỷ thành viên.


Câu nói ấy giờ đã quá quen với hầu hết người dùng internet tại Việt Nam vì sự thông minh của hệ thống tìm kiếm này, nhưng phần khác thể hiện sự thống trị tuyệt đối của Google tại Việt Nam. Với một thị trường hơn 31 triệu người dùng internet và gần 60 triệu người dùng điện thoại di động, Việt Nam hiện là một trong 20 nước có số người dùng mạng nhiều nhất thế giới. Dự báo trong 5 năm tới sẽ có khoảng 46% dân số Việt Nam sử dụng internet, tạo thị trường nội dung và dịch vụ trên nền internet hấp dẫn với doanh số dự báo đạt mức 20 nghìn tỷ đồng vào năm 2014.


Việt Nam cần có chính sách đổi mới toàn diện về quản lý dịch vụ internet, viễn thông số.    Ảnh: Nhật Nam

Theo phân tích, hiện nay 70-80% thị phần về nội dung trong ngành trò chơi trực tuyến thuộc các DN trong nước. Trong mảng dịch vụ internet, các website như VnExpress, 24h, Dantri… thống lĩnh mảng tin tức. Trong khi đó, Zing đã vượt qua Yahoo về lượng người dùng. Các công ty như: BlueSea, VMG, VTC góp phần tạo một thị trường dịch vụ di động sôi động. VNG và VTC đã sản xuất thành công game nội địa vốn đòi hỏi đầu tư lâu dài với độ thách thức kỹ thuật cao. VNG đã bắt đầu đưa game Việt vươn ra thị trường nước ngoài.

Dù có bước tiến vượt bậc nhưng cũng không làm thay đổi thực tế là các thương hiệu thế giới đang lấn át DN trong nước. Hai trang web cung cấp nội dung số là Yahoo.comGoogle.com hút hầu hết người sử dụng với gần 100% thị phần. Các hoạt động tìm kiếm thông tin, chat, e-mail… hầu như được sử dụng qua hai trang này. Trong khi đó những trang tìm kiếm thương hiệu nội như timnhanh.com.vn, search.com.vn, và xalo.vn... dường như chưa đủ lực để cạnh tranh. Một số tên tuổi từng vang bóng như hoatieu.com hay vinaseek.com đã bị các "đại gia" Google, Yahoo đè bẹp. Cũng trong năm 2011, thị trường NDS lại chứng kiến sự khai sinh rồi khai tử chóng vánh sau nửa năm tồn tại của mạng xã hội thuần Việt là Yoo!. Nhưng trước Yoo! nhiều cái tên khác cũng từng "nổ" rồi "xịt" như ZoomBan, FaceViet, Yobanbe, VietSpace…

Chứng kiến thị phần cứ dần dần chuyển dịch sang phía nước ngoài, nhiều người đã đặt câu hỏi làm sao để DN trong nước phát triển?

Cần sự tiếp sức của chính sách

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất với ngành NDS Việt Nam là khung pháp lý và các chính sách chưa bắt kịp với sự phát triển. Có một sự khác biệt giữa DN nước ngoài và trong nước: nếu hoạt động thu tiền qua đại lý thì Google, Facebook, Yahoo, Bing... có thể không phải nộp thuế thu nhập cho Việt Nam, là khoản thuế có mức thu cao nhất. Ngoài ra, họ cũng thu tiền người dùng Việt mà không phải xuất hóa đơn. Riêng với dịch vụ quảng cáo trực tuyến, theo quy định hiện hành DN trong nước phải đóng thuế trên doanh thu là 10%, thuế trên lợi nhuận là 25% trong khi DN nước ngoài chỉ phải nộp thuế nhà thầu 10%. Trong khi đó, theo các số liệu đã được công bố trên báo chí, hiện nay Yahoo, Google, Facebook thu 40 triệu USD/năm 2011 tại thị trường Việt Nam, chiếm 60% thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước. Về nội dung quảng cáo, các DN nước ngoài cũng không phải xin phép và cũng không bị kiểm duyệt như với DN trong nước.

Theo ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, NDS là ngành kinh doanh phát triển nhanh và có không gian rất rộng và mở (trên nền internet/mobile). Vì vậy, những biện pháp quản lý hành chính sẽ có hiệu quả thấp và không khuyến khích các DN trong nước phát triển. 5 năm tới, ngành NDS phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực này, nếu không khả năng "hụt hơi" là khó tránh.

Ông Khải cho biết thêm, mục tiêu làm chủ thị trường trong nước sẽ là thách thức lớn, vì với tính chất mở của internet, các DN quốc tế sẽ cạnh tranh trực tiếp với các DN nội. Chúng ta có lợi thế ở những mảng mang tính chất "địa phương" như tin tức, giải trí và có thể trong tương lai là thương mại điện tử. Tuy nhiên, những mảng khác như tìm kiếm thông tin, cộng đồng/giao tiếp (mạng xã hội, phần mềm chat) và các ứng dụng kinh doanh… đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật và sản phẩm rất cao (điểm yếu của các DN Việt Nam) và hàm lượng địa phương thấp (điểm yếu của các DN nước ngoài). Đó là chưa kể các chính sách quản lý nội dung trên internet vẫn rất thoáng với các công ty quốc tế do không "nắm được tóc" nhưng lại ngặt nghèo với các đơn vị trong nước. DN Việt Nam phải xin phép, chịu sự quản lý nội dung chặt chẽ từ nhiều cơ quan quản lý và đứng trước hàng loạt chế tài, thậm chí bị rút phép nếu vi phạm nặng, trong khi DN nước ngoài gần như không phải tuân thủ quy định nào của Việt Nam.

Rõ ràng, để thay đổi, nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty NDS trong nước, cần phải có chính sách đổi mới toàn diện về quản lý dịch vụ internet, viễn thông số ở Việt Nam. Không giải quyết được bài toán này, mục tiêu của đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" vào năm 2020 e rằng khó thành hiện thực.

Việt Vương