Bài 1: “Trên” sướng, “dưới” khổ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:05, 06/01/2012

(HNM) - Có những bệnh viện quá tải bệnh nhân, bác sỹ vừa chữa bệnh, vừa quát bệnh nhân mà bệnh nhân vẫn cứ nườm nượp kéo đến, trong khi nhiều bệnh viện khác, có thể các y bác sỹ tận tình, chu đáo nhưng vẫn thiếu bệnh nhân. Mà chuyện lạ hơn, nhiều bệnh viện cứ kêu quá tải nhưng để giảm tải lại chưa hẳn đã muốn.

Kẻ "ăn" không hết, người "lần" không ra

6h30 sáng, chúng tôi có mặt ở Bệnh viện Mắt trung ương. Dù tiết trời mùa đông, cái lạnh khiến nhiều bệnh nhân phải co người trong chiếc áo ấm, thế nhưng từ cổng viện vào đến chỗ đăng ký khám bệnh đã chật cứng người chờ xếp hàng đăng ký. Phía ngoài cổng, hàng chục người chẳng hiểu là nhân viên bệnh viện hay "cò" tay lăm lăm quyển y bạ mời chào bệnh nhân mua sổ của họ để được khám nhanh. Nhiều bệnh nhân bức xúc: "Bệnh nhân thì đông mà dường như bác sỹ thì thiếu. Đăng ký khám bệnh đã lâu, thời gian chờ bác sỹ khám cũng cực chẳng kém. Thậm chí đã có trường hợp cấp cứu mà vẫn phải chờ từ sáng đến trưa. Có trường hợp đến chỗ nằm chờ cấp cứu cũng không có, nhân viên bệnh viện đã yêu cầu bệnh nhân ra ngoài, tự thuê phòng nghỉ để chờ đến lượt.

Nhiều bệnh viện tuyến TƯ đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện nay công suất sử dụng giường bệnh quá tải trên địa bàn chủ yếu là các bệnh viện chuyên khoa với mức trung bình là 120%. Trong khi đó, nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đa khoa dù được trang bị khá đầy đủ nhưng lại không hoạt động được hết công suất, thậm chí còn quá vắng vẻ. Thực tế đã được minh chứng trong những ngày Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thị sát và kiểm tra một số cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội. Tại Trạm Y tế thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho thấy hai hình ảnh đối lập nhau hoàn toàn. Mặc dù nằm giữa trung tâm thị trấn, đạt chuẩn quốc gia và có đầy đủ trang thiết bị máy móc phục vụ khám chữa bệnh nhưng Trạm Y tế Cầu Diễn và Trung tâm Y tế Từ Liêm lại rất đìu hiu. Có khi cả 10 ngày liền, Trạm Y tế Cầu Diễn không có một bệnh nhân nào đến khám. Trong khi đó, tại Bệnh viện Xanh Pôn với quy mô chỉ 500 giường lại tiếp nhận mỗi ngày gần 2.000 bệnh nhân và tập trung đến hơn 400.000 thẻ BHYT/năm.

Theo bác sĩ Đặng Thị Lan, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Cầu Diễn, trạm có cả một số máy móc hiện đại, đội ngũ cán bộ đầy đủ, có cả bác sĩ chuyên khoa 1, hoàn toàn đáp ứng được việc khám chữa bệnh ban đầu. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân đến khám rất ít. Trạm y tế hầu như chỉ làm nhiệm vụ quản lý thai sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ và chăm sóc người già. Cả năm chỉ khoảng 4.000 bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong đó có 5 ca cấp cứu.

Cùng cảnh ngộ, Trung tâm Y tế Từ Liêm cũng cảnh đìu hiu chợ chiều. Ông Nguyễn Văn Phi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm cho biết, công tác khám chữa bệnh tại cộng đồng luôn được chú trọng nhưng việc thu hút bệnh nhân đến với Trung tâm y tế lại quá khó khăn.

Một thống kê khác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Mặc dù có quy mô 550 giường kế hoạch nhưng luôn có đến 800 bệnh nhân nội trú. Trung bình mỗi ngày có 1.700-2.000 trường hợp vào khám, điều trị. Đây là bệnh viện có số đăng ký thẻ BHYT nhiều nhất ở Hà Nội (hơn 400.000 thẻ vào cuối năm 2010). Với cơ sở vật chất như vậy, số giường bệnh như vậy nhưng số bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT cao gấp gần 800 lần thì quá tải là cầm chắc. Ấy là chưa kể những bệnh nhân không có thẻ BHYT tại đây hoặc bệnh nhân có BHYT vượt tuyến lên đây khám chữa bệnh.

Những hình ảnh, những lát cắt trong công tác khám chữa bệnh tại một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên đều là bức tranh đối lập chung của nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới quá thưa vắng bệnh nhân, trong khi đó các bệnh viện ở nội đô thì luôn trong tình trạng quá tải. Lý giải về điều này, ngành y tế cho rằng, nguyên nhân quá tải là hệ thống khám chữa bệnh tuyến dưới không đáp ứng được nhu cầu của người dân, số giường bệnh mới đạt 14 giường/10.000 dân. Một số bệnh viện cơ sở hạ tầng đã xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng, diện tích chật hẹp không đủ theo quy định. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao; cơ sở vật chất đội ngũ cán bộ y tế nhất là tuyến cơ sở còn mỏng chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Và quan trọng hơn đó là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao còn thiếu…

Quá tải - Sướng tuyến trên, khổ tuyến dưới?

Để giảm tải cho các bệnh viện, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần phải có sự phân tuyến rõ rệt đối với các bệnh nhân khám chữa bệnh theo BHYT. Điều này cũng có phần đúng. Và để thực hiện, BHXH Việt Nam đang có đề án sẽ bắt buộc bệnh nhân khám chữa bệnh diện BHYT theo nơi cư trú. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này còn quá nhiều thứ phải làm như nâng cấp trang thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ trình độ khám chữa bệnh cho các bệnh viện, phòng khám tuyến dưới… Còn đối với những biện pháp giảm tải tức thì, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, bản thân các bệnh viện không hề muốn giảm tải cũng như còn nhiều lắt léo nhằm tăng nguồn thu từ bệnh nhân.

Điển hình nhất là mới đây, báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cũng cho biết, tổng thu cả năm qua của bệnh viện này là 210 tỉ đồng, trong đó thu dịch vụ chỉ được khoảng 40 tỉ đồng, ngân sách nhà nước là 26%, còn lại là viện phí và BHYT. Mức thu quá thấp, viện phí lại chỉ được thu một phần khiến bệnh viện rơi vào tình cảnh bị "trói cả chân lẫn tay", không có tiền để đầu tư, trang trải, nâng cao thu nhập cho cán bộ y bác sĩ. Ý kiến của Bệnh viện Xanh Pôn là thế, song trên thực tế, nhiều bệnh nhân vẫn cứ rỉ tai nhau rằng, ở nhiều bệnh viện đang quá tải hiện nay, vấn đề mấu chốt cơ bản vẫn là tiền. Cứ có tiền quan hệ thì kiểu gì cũng có chỗ nằm, thậm chí là có hẳn phòng dịch vụ chất lượng cao với giá lên đến cả tiền triệu/phòng/ngày. Ở những phòng đó, bệnh nhân luôn được bác sỹ quan tâm với đầy đủ các trang thiết bị y tế, thiết bị sinh hoạt như ở nhà, thậm chí như ở khách sạn.

Nói về vấn đề này ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam khẳng định việc vượt tuyến, gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên có nguyên nhân từ cơ chế. Đầu tiên phải nói đến đó là từ quy định của Luật BHXH, BHYT. Với cơ chế cũ, bệnh nhân buộc phải có giấy chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên thì người bệnh mới được cơ quan BHXH thanh toán. Như vậy, bệnh viện có quyền "ép" bệnh nhân ở lại điều trị tại tuyến dưới bằng cách không cấp giấy chuyển viện. Nhưng nay cơ chế mới (trừ trường hợp cấp cứu), bệnh nhân có thể vượt tuyến lên trên. Đó là quyền của bệnh nhân. Chỉ có điều, nếu vượt tuyến 1 cấp (từ cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện lên tỉnh) thì chỉ được cơ quan bảo hiểm thanh toán 70%, giảm 10% so với khám chữa bệnh đúng tuyến; nếu vượt tuyến 2 cấp (từ cấp huyện lên cấp TƯ) thì được thanh toán 50%. Mới nhìn qua, có thể thấy bệnh nhân sẽ thiệt khi phải tự thanh toán từ 30 đến 50%. Song nếu làm một bài toán đơn giản, nếu bệnh nhân vượt tuyến, họ được nhiều thứ hơn. Đó là chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hơn. Ông Sơn cũng cho rằng, các bệnh viện đang hoạt động theo nguyên tắc tăng bệnh nhân, tăng lợi nhuận và một số bệnh viện thực hiện theo nguyên tắc tự thu, tự chi theo Nghị định 43. Và đương nhiên, mỗi khi có bệnh nhân khám chữa bệnh theo BHYT họ sẽ cố giữ lại nhằm tăng nguồn thu.

Như vậy xét đến cùng, việc giảm tải và tăng nguồn thu cho bệnh viện đang là mâu thuẫn khó giải quyết trong mỗi bệnh viện. Và mâu thuẫn này xét ở điều kiện thực tế thì giám đốc các bệnh viện cũng là một trong những khâu quan trọng trong việc quyết định có giảm tải hay không giảm tải ở các bệnh viện hiện nay.

Ngọc Hải