Lại nổ lớn ở Baghdad, 21 người chết

Thế giới - Ngày đăng : 14:49, 05/01/2012

(HNMO) - Hôm nay, 5/1, một loạt các vụ đánh bom chống cộng đồng người Shiite ở Baghdad đã khiến ít nhất 21 người thiệt mạng, các quan chức Iraq cho biết.


Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Iraq đang phải đối mặt với những chỉ trích chính trị vốn đã làm dấy lên những căng thẳng sắc tộc.

Vụ bạo lực trên, khiến hàng chục người khác bị thương, là sự vụ tồi tệ nhất kể từ sau một loạt các vụ nổ ở thủ đô Iraq hôm 22/12/2011 làm 60 người chết, ngay sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra và tiếp sau sự rút lui của quân đội Mỹ khỏi đất nước này cách đây 2 tuần.


Ở khu vực phía bắc Baghdad của Kadhimiyah, hai quả bom xe đã phát nổ vào khoảng lúc 9h sáng (tức 6h sáng giờ GMT) tại các nút giao thông gần nhau, các quan chức từ nội các và Bộ quốc phòng cho biết.

Các vụ nổ đã giết chết 12 người và làm 22 người khác bị thương, các quan chức quốc phòng cho biết, trong khi nguồn Bộ Nội vụ cho biết, số người chết là 15 và 31 người bị thương.

Ở Sadr City, một khu người Shiite ở phía bắc thủ đô, một chiếc xe máy được cài bẫy đã phát nổ vào khoảng 7h sáng (tức 4h GMT) gần một nhóm người lao động theo ngày đang chờ nhận việc, giết chết 7 người và làm 20 người khác bị thương, quan chức Bộ Nội vụ cho biết.

Ít phút sau đó, hai quả bom đặt bên đường đã phát nổ gần bệnh viện chính của quận này khi các nạn nhân đang được chở qua, làm thêm 2 người chết và 15 người bị thương.

Các quan chức Bộ Quốc phòng cũng cho biết, các vụ tấn công ở thành phố Sadr đã làm 9 người chết và 35 người bị thương.

Mỹ và Liên hợp quốc đã kêu gọi sự bình tĩnh trong bối cảnh bế tắc chính trị và kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia tổ chức các cuộc đàm phán để kết thúc xung đột, nhưng các cuộc họp này vẫn chưa được tiến hành.

Thủ tướng Nuri al-Maliki hôm qua đã rút lại lời đe dọa sa thải các bộ trưởng từ Đảng Iraqiya được dòng Sunni hậu thuẫn, những người đã tẩy chay nội các.

Bế tắc đã xảy đến từ một quyết định của cơ quan chức năng trong việc ban hành lệnh bắt giữ Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi về tội khủng bố.

Hashemi, người đang đóng ở khu vực người Kurd tự trị phía bắc, đã phủ nhận các cáo buộc và Đảng Iraqiya của ông đã tẩy chay nội các và đứng ngoài khi Quốc hội mở lại hôm 3/1.

Phó Thủ tướng dòng Sunni Saleh al-Mutlak, cũng là một thành viên của Đảng Iraqiya, đã công khai chỉ trích ông Maliki là một nhà độc tài "tồi tệ hơn cả Saddam Hussein" và Thủ tướng đã kêu gọi sa thải ông này. Các nghị sĩ được dự kiến sẽ xem xét yêu cầu này hôm 3/1 nhưng sự việc đã không được thảo luận hay biểu quyết.

Bạo lực đã giảm trên phạm vi cả nước kể từ đỉnh cao hồi năm 2006 và 2007, nhưng các cuộc tấn công vẫn còn phổ biến, đặc biệt là ở Baghdad. Theo số liệu chính thức, có khoảng 155 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo lực tháng 12.

V.A