Lỗi không chỉ ở người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 05/01/2012

(HNM) - Rót xăng dầu nhưng vẫn hút thuốc lá, leo cao nhưng không thắt dây an toàn... Đó là những lỗi rất sơ đẳng của người lao động (NLĐ) góp phần nâng tỷ lệ tai nạn thương tích ở NLĐ lên đến 7,06/1.000 người/năm. Tại Bệnh viện Việt - Đức, có tới hơn 40% số bệnh nhân cấp cứu chấn thương là do tai nạn lao động (TNLĐ).

Điều dưỡng trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Việt - Đức Nguyễn Xuân Vinh cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân bị TNLĐ trong tình trạng nặng, có người tử vong, người còn sống thì chịu tàn phế suốt đời. Đây là bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nạn nhân những vụ TNLĐ rất thương tâm. Điều đáng nói là số vụ TNLĐ trên thực tế thường cao hơn so với số vụ TNLĐ được các địa phương báo cáo. Con số báo cáo được các địa phương đưa ra đúng thời hạn chỉ đạt 50%, trong đó số cơ sở tham gia báo cáo chỉ chiếm từ 2 - 5% tổng số doanh nghiệp. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp cố tình giấu số vụ TNLĐ xảy ra tại đơn vị hoặc do không thống kê nên khi bị thanh tra cũng không có số liệu để báo cáo. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có một phần do thiếu nhân lực làm công tác thống kê tại các sở LĐ-TB&XH. Tại Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT/ BLĐTB&XH - BYT - LĐLĐ VN, các bảng biểu, hướng dẫn đưa ra khá phức tạp, chỉ tiêu báo cáo nhiều (mỗi bảng số liệu từ 25 - 29 cột với hàng trăm mục. Mẫu báo cáo của cơ sở dài đến 43 cột), thông tin cần tra cứu lớn (danh mục các yếu tố gây chấn thương, nghề nghiệp, loại hình doanh nghiệp với hàng trăm dòng mục) khiến các sở và doanh nghiệp gặp khó khăn, ngại báo cáo, thậm chí là báo cáo không có TNLĐ. Thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp bỏ qua khâu ATLĐ, không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, không chú trọng tập huấn về ATLĐ cho NLĐ, không giám sát, nhắc nhở. Về phía NLĐ, do thu nhập eo hẹp và nhận thức chưa đầy đủ nên để xảy ra những vụ TNLĐ với những lỗi rất sơ đẳng.

Một nguyên nhân khác rất quan trọng chính là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên chưa có tác dụng răn đe các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện. Do vậy, theo ý kiến của các chuyên gia lao động, cần nâng mức xử phạt cao đối với những doanh nghiệp vi phạm ATVSLĐ. Doanh nghiệp phải đền bù thỏa đáng khi NLĐ do bị TNLĐ mà mất đi khả năng làm việc hoặc bị tử vong. Ngoài ra, doanh nghiệp phải bị xử phạt về trách nhiệm xã hội. Một ví dụ cụ thể : nếu người bị TNLĐ mà tử vong khi 20 tuổi, doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân số tiền lương tương ứng của 40 năm (tính tuổi lao động là đến 60). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đền bù một số tiền riêng cho nhà nước vì họ là nguyên nhân; tăng mức xử phạt đối với doanh nghiệp không chấp hành quy định về thống kê báo cáo TNLĐ. Đồng thời, tăng cường lực lượng thanh tra, tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành chế độ báo cáo và xử lý kiên quyết những doanh nghiệp vi phạm các quy định về báo cáo TNLĐ.

Thống kê sơ bộ từ đầu năm 2011 tới nay, có 3.531 vụ TNLĐ trên toàn quốc, khiến 3.642 người bị nạn. Các chi phí tiền thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,… đã lên tới hơn 143 tỷ đồng (tăng 2,62 lần so với cùng kỳ năm 2010), thiệt hại về tài sản ước hơn 17 tỷ đồng (tăng 7,89 lần so với cùng kỳ năm 2010). Tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do TNLĐ là 33.409 ngày. Lĩnh vực sản xuất xảy ra nhiều TNLĐ chết người là khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp chiếm tỷ lệ 27,1%; thợ khai thác mỏ và thợ xây dựng (21,6%); thợ gia công kim loại, thợ cơ khí (8,7%); thợ lắp ráp, vận hành máy (5,4%).

Kim Vũ