Người cán bộ có tâm với nghề

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:35, 05/01/2012

(HNM) - 2.785 trường hợp người dân đến làm thủ tục được giảm số ngày đi lại từ 1 đến 3 ngày, 611 trường hợp không phải về nơi cũ trong thành phố để cắt hộ khẩu được giảm số lần đi lại từ 6 lần xuống còn 2 lần, đó là những kết quả mà Trung tá Nguyễn Thị Nam, Đội QLHC về TTXH, CA quận Thanh Xuân cùng đồng đội đã đạt được khi thực hiện cải cách hành chính.


34 năm công tác trong ngành, đã hơn 13 năm chị gắn bó với công việc tiếp dân, với những vui buồn của công việc được ví như là "làm dâu trăm họ". Hằng ngày, chị cùng đồng đội đón tiếp người dân đến đăng ký thường trú, hướng dẫn về thủ tục, xem xét, xử lý hồ sơ (trung bình, mỗi ngày đội của chị tiếp khoảng 60 - 70 lượt người).

Tiếp dân, công việc nghe thì đơn giản nhưng theo chị Nam, muốn hoàn thành tốt, ngoài sự am hiểu kiến thức pháp luật, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ còn đòi hỏi người cán bộ phải có hiểu biết xã hội, biết lắng nghe, kiên nhẫn, cẩn thận và có "tâm" với nghề. Để công việc đạt hiệu quả cao, chị luôn chủ động bố trí, sắp xếp công việc. Các trường hợp được quy định trong luật, chị phân loại cụ thể và soạn mẫu hướng dẫn tương ứng. Người dân đến làm thủ tục thuộc trường hợp nào thì sẽ được phát mẫu phiếu hướng dẫn ở trường hợp đó. Rồi lựa chọn tiêu chuẩn thuận lợi nhất trong giải quyết công việc cho dân… cũng là những cách làm hay đã được chị Nam thực hiện.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng chị Nam vẫn nhớ mãi trường hợp của ông Nguyễn Văn Cường ở phường Khương Trung. Năm 1989, gia đình ông làm thủ tục cắt hộ khẩu từ quận Hai Bà Trưng về Thanh Xuân (trước đây là quận Đống Đa). Nhưng chưa kịp nhập hộ khẩu về nơi ở mới thì gia đình ông không may làm mất toàn bộ hồ sơ, giấy tờ. Vợ ông do vậy nhiều năm không làm được thủ tục để nhận lương hưu. Nhà ông sau đó lại nằm trong diện quy hoạch. Điều khó là các văn bản pháp luật hiện hành trong thời điểm đó chưa có quy định giải quyết những trường hợp tương tự. Vì vậy, một mặt chị vừa làm kiến nghị gửi lên cấp trên, mặt khác vừa động viên gia đình và chị cũng không quên lưu lại số điện thoại của ông để khi có những diễn biến mới sẽ chủ động liên lạc. Sau này, Luật Cư trú được ban hành, trường hợp hộ ông Cường đã được xem xét giải quyết. Đó cũng là niềm vui lớn nhất đối với những cán bộ làm công tác tiếp dân như chị Nam.

Thanh Hải