Khai màn đường đua vào Nhà Trắng

Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 05/01/2012

(HNM) - Trong tiết trời giá buốt âm 8 độ C, tối 3-1 (giờ địa phương), tức sáng 4-1 (giờ Hà Nội), cử tri tại bang Iowa thuộc 1.774 cụm dân cư đã bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên tại Mỹ nhằm chọn ra ứng cử viên của đảng Cộng hòa để cạnh tranh với đối thủ đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012.

Cựu Thống đốc bang Massachussetts Mitt Romney và vợ vui mừng khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang Iowa, Mỹ ngày 3-1.

Kết quả, cựu Thống đốc bang Massachussetts Mitt Romney đã giành chiến thắng sít sao với 30.015 phiếu trên tổng số 122.000 phiếu bầu, chỉ hơn 8 phiếu so với Thượng nghị sỹ bang Pennsylvania Rick Santorum (30.007). Với kết quả này, ông Romney, 64 tuổi, sẽ tiếp tục tranh cử tại New Hampshire vào ngày 10-1 tới để trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11 năm nay. Mitt Romney được xem là nhân vật rất bảo thủ và được sự ủng hộ của đảng Trà. Ông đã chuẩn bị tranh cử từ hơn ba năm nay. Quỹ vận động tranh cử của Mitt Romney đã thu được 33 triệu USD. Trong bối cảnh nước Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế, điểm chung của các ứng cử viên đảng Cộng hòa là chỉ trích chính sách kinh tế của Tổng thống B.Obama dẫn đến khủng hoảng, thất nghiệp. Ông Mitt Romney cũng không ngoại lệ. Ông chú trọng đặc biệt đến chủ đề kinh tế trong vận động tranh cử. Cựu Thống đốc bang Massachussetts đã hô hào nước Mỹ phải chọn lựa giữa hai ứng cử viên: Một người (là ông) đại diện cho xã hội của mọi điều có thể và một người (đương kim Tổng thống B.Obama) đại diện cho xã hội lệ thuộc vào trợ cấp nhà nước.

Cuộc bỏ phiếu nội bộ ở bang Iowa là bước khởi đầu trong chuỗi những hoạt động tương tự dài tới tận ngày 26-6-2012 để đảng Cộng hòa tìm ra được ứng cử viên duy nhất cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2012. Kết quả bỏ phiếu ở Iowa được cho là sẽ có tác động lớn đến các vòng bỏ phiếu về sau ở các bang khác. Iowa - "vùng đất trái tim của nước Mỹ", là bang nổi tiếng về nông nghiệp với biệt danh "Thủ phủ lương thực thế giới". Với hơn 3 triệu dân, năm 2010, Iowa được đánh giá là một trong 10 bang an toàn nhất để sinh sống. Từ năm 1968-1974, Iowa được coi là bang lãnh địa của đảng Cộng hòa, nhưng sau đó trở thành bang trung dung và trong thời gian 1988-2000, cử tri bang này thường dành sự ủng hộ cao hơn cho ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Trong khi đó, cùng ngày cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ đã diễn ra tại bang Iowa, nhưng không được quan tâm bằng cuộc bầu chọn của đảng Cộng hòa. Cử tri của đảng Dân chủ tại bang này chỉ tổ chức gặp mặt để bày tỏ sự ủng hộ ứng cử viên gần như duy nhất là đương kim Tổng thống Barack Obama. Trong bài phát biểu tại Iowa, Tổng thống B.Obama cho biết, ông tự tin sẽ tái đắc cử hơn 4 năm trước đây khi ông lần đầu tiên ra tranh cử Tổng thống, đồng thời khẳng định ông đã giành được nhiều thành tựu trong 3 năm đương chức, từ quyết định rút quân khỏi Iraq đến việc thông qua các cải cách y tế. Ông cũng thừa nhận khó khăn trong việc vực dậy nền kinh tế và cần thêm một nhiệm kỳ nữa để hoàn tất nhiệm vụ khôi phục kinh tế Mỹ. Thực tế, năm 2011 là năm đầy khó khăn với nước Mỹ và điều này đã phần nào gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ lệ ủng hộ dành cho ông B.Obama. Mỹ rút quân khỏi Iraq để lại một mớ bòng bong, thâm hụt ngân sách cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp không được cải thiện, làn sóng biểu tình của phong trào "Chiếm lấy phố Wall" phản đối sự thống trị của giới doanh nghiệp... là những sự kiện khiến chính quyền Obama mất điểm trong dân chúng. Tuy tỷ lệ ủng hộ của ông B.Obama so với những ứng viên khác vẫn chiếm ưu thế và dự đoán chiến thắng vẫn nghiêng về đương kim Tổng thống Mỹ nhưng sự bất ổn đang diễn ra tại xã hội Mỹ có thể đang là một lực cản cho cơ hội giành chiến thắng áp đảo của ông Obama.

Có thể nói, cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa đã khai màn cho cuộc chiến giữa những người quyền lực nhất thế giới. Nhưng bất cứ ai muốn trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng phải tìm ra "lời giải"cho nền kinh tế đang suy thoái vượt qua những khó khăn, thách thức để trở lại vị trí siêu cường như trước.

Thùy Dương