Bài 2: Nỗi khổ nhìn từ... gầm giường bệnh

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:27, 05/01/2012

(HNM) - Trong chuyến "vi hành" khảo sát tình trạng quá tải bệnh viện (BV) mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tận mắt được thấy một bệnh nhân tại BV Ung bướu lóp ngóp bò từ gầm giường ra chào đón mình. Đó là hình ảnh lột tả chân thực nhất về tình hình quá tải BV tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Căn bệnh trầm kha

Đáng buồn là hình ảnh trên không chỉ có ở BV Ung bướu mà xuất hiện ở hầu khắp các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên tại TP Hồ Chí Minh. "Bệnh nặng" nhất phải kể đến các BV: Từ Dũ, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1, Hùng Vương… Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu giãi bày: "Số giường định biên là 1.300 nhưng thực tế chỉ có 700 trong khi bình quân mỗi ngày điều trị nội trú tới 1.700-1.800 người. Thử hỏi bệnh nhân nằm ở đâu". Còn bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 chia sẻ: "Với hạ tầng chỉ đáp ứng khoảng 700 giường bệnh nhưng chúng tôi luôn có 1.500-1.600 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày. Đó là chưa kể bình quân có tới 5.000 lượt khám/ngày, lúc cao điểm mùa dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng lên tới hơn 7.000 lượt bệnh".

Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh phải trưng dụng cả khu vực đang trong giai đoạn xây dựng hoàn thiện vào sử dụng vì tình trạng quá tải bệnh nhân.

Trước tình cảnh ấy, không còn cách nào khác là bác sĩ phải làm việc quần quật và bệnh nhân phải "sống chung với quá tải" dài dài. Ban ngày, nếu đến BV thì đó là một thử thách chờ đợi của bất kỳ ai. Đêm về, một cuộc "xí phần" để có một "vị trí đẹp", thoáng mát ở hành lang BV làm chỗ ngả lưng qua đêm cũng không dễ gì. Quanh vòng xoáy ấy có bao nhiêu chuyện mà bệnh nhân, người nhà chẳng còn cách nào khác ngoài sự lặng lẽ cam chịu.

Nếu ai có dịp đi qua số 14 đường Lý Tự Trọng (quận 1 - TP Hồ Chí Minh), đồng thời là địa chỉ của BV Nhi đồng 2 vào quãng 11 giờ các ngày sẽ thấy một đoạn vỉa hè rất đẹp nơi đây được trưng dụng để một số người nhà bệnh nhân làm nơi… nấu ăn. Chỉ với chiếc bếp gas du lịch, cái xoong nhỏ, chai nước, bọc rau, chút thịt, cá, đậu đã chuẩn bị sẵn từ lúc nào và thế là họ có bữa ăn. Chị Trương Thị May (huyện Châu Thành, Tiền Giang) vừa nấu ăn vừa cho tôi biết: "Cực lắm chú ơi. Sắp nhỏ nằm viện cả tháng rồi mà không có tiền. BV ở giữa quận 1 đắt đỏ này nông dân tụi tôi đâu có tiền ăn hàng riết nên đành phải chọn cách ăn uống này cho qua ngày thôi". Chị dẫn tôi vào khoa Nội tổng hợp mà như chị nói là "cho nhà báo chứng kiến". Một quang cảnh quen thuộc tái hiện: bệnh nhân nằm la liệt ở khắp các hành lang. Không chỉ nằm trên băng ca, nhiều người phải trải chiếu nằm để chờ đến lượt khám. Các cháu bé đứa nằm, đứa ngồi đủ kiểu và chúng chưa đủ tuổi để hiểu biết lẽ đời nên không hiểu được ánh mắt sâu thẳm đầy mệt mỏi của cha mẹ khi vào viện.

Cũng khoảng 11 giờ, BV Từ Dũ nghèn nghẹt người chờ lấy số khám hoặc mua thuốc khiến các khoa, phòng ở đây lúc nào cũng trong cảnh người chen người. Có lẽ, những người có công tạo dựng BV này từ năm 1923 với quy mô khoảng 100 giường không thể nghĩ một ngày nào đó nơi đây lại có thể cáng tới 850.000 lượt bệnh nhân tới khám, nằm viện trong năm 2011. Tình trạng quá tải có thể thấy ngay từ cổng viện khi muốn có chỗ gửi xe vào khám, người ta phải xếp hàng dài. Khuôn viên BV cũng dần thu hẹp lại, nhường chỗ để cơi nới thêm phòng khám.

Ở một địa chỉ khác, BV Nhi đồng 1, chuyện quá tải vào ban ngày đã kéo dài cả chục năm nay nhưng tình trạng này còn diễn ra cả về đêm mặc dù các hoạt động khám bệnh tạm dừng (trừ cấp cứu). Tình hình căng thẳng nhất là tại Khoa Tiêu hóa và Sốt xuất huyết. Ngày nào cũng như ngày nào, vào khoảng 20 giờ, việc thiếu chỗ ngủ đến mức phòng bệnh luôn có cả chục người nằm trong gầm giường. Mỗi phòng bệnh nơi đây rộng chừng 15m2 nhưng là nơi tá túc của khoảng 20 người đã trở thành "chuyện thường ngày". Cơ sở 2 dự kiến xây từ bao năm nay đến giờ vẫn nằm im trên giấy và nỗi buồn quá tải cứ kéo dài triền miên qua mấy đời giám đốc BV.

Nghịch lý giảm tải

Bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2011, số lượt người đến khám, nằm nội trú hoặc điều trị ngoại trú lần lượt là: 27,24 triệu; 0,977 triệu và 3,43 triệu người, cao hơn năm 2010 khá nhiều. Địa phương này hiện có 44 bệnh viện công lập và 34 BV tư nhân với tổng số giường bệnh là gần 31.100. Số lượng các cơ sở y tế như trên chỉ phục vụ tốt nếu dân số thành phố là khoảng 4,5 triệu người. Nhưng hiện nay, hạ tầng ấy đang phải "cõng" tới 10 triệu dân và chưa tính đến tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến gia tăng. Ngành y không "lực bất tòng tâm" mới là chuyện lạ.

Chủ đề giảm tải cho BV tuyến trên là câu chuyện thời sự không chỉ bây giờ mới được ngành y tế TP Hồ Chí Minh đề cập mà là vấn đề của hàng chục năm trước để lại. Công bằng mà nói, ngành này có nhiều nỗ lực như: chuyển giao công nghệ cho BV tuyến dưới, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác khám chữa bệnh… đạt nhiều thành công. Lượng bệnh nhân được chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên đã giảm hẳn. Nhưng nghịch lý là càng quyết liệt giảm tải thì tình trạng quá tải lại ngày càng trầm kha hơn, như "bắt cóc bỏ đĩa". Phải chăng trong cách làm của ngành y và của không chỉ ngành y đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết?

Tại BV Nhi đồng 1, anh Nguyễn Tiến Nhơn (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) đang tất tả cho cậu con trai 4 tuổi ăn tối ở hành lang. Hỏi ra mới biết, con anh Nhơn bị tiêu chảy chưa rõ lý do. "Sao không cho cháu vào BV tỉnh?" - tôi hỏi. "Dạ, vào đó chúng em không yên tâm nên cứ về Sài Gòn thôi. Giờ nhà ai cũng ít con nên vào đây có chật chội chút nhưng khỏi lo vì có bác sĩ giỏi" - anh Nhơn tâm sự.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, do dịch bệnh trẻ em diễn biến phức tạp quanh năm và cứ hễ trẻ bị bệnh là phụ huynh đưa về thành phố cho "chắc ăn". Thống kê của BV Nhi đồng 1 cho thấy lượng bệnh nhân chuyển viện có giảm xuống nhờ y tế cơ sở địa phương đã có cải thiện nhưng lượng bệnh nhân tự đến lại tăng mạnh (từ 73,1% năm 2008 lên 81,5% năm 2011). Đó là chưa kể người bệnh khám chữa bệnh diện bảo hiểm y tế vượt tuyến tăng 34% trong năm 2011. Tình hình ở BV Nhi đồng 1 chính là bức tranh rõ nét về khám chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Vẫn câu chuyện giảm tải, một giám đốc BV đa khoa khu vực tại TP Hồ Chí Minh xin giấu tên chia sẻ một sự thật khác. Đó là các BV tuyến trên luôn kêu quá tải nhưng đều không muốn giảm tải vì đây chính là "nồi cơm" của họ. Đồng lương không đủ sống nên bác sĩ phải mở phòng khám tư, đi "đánh thuê" ở BV tư và thu nhập chính của bác sĩ, điều dưỡng… chủ yếu từ lượng bệnh nhân quá tải. "BV tuyến trên sau khi thăm khám cho bệnh nhân hoàn toàn có thể nắm rõ bệnh lý. Nếu thật sự muốn giảm tải thì với những ca đơn giản sao không chỉ định bệnh nhân về tuyến dưới vừa đỡ tốn kém cho họ vừa "rảnh tay" hơn. BV tuyến tỉnh, huyện giờ cũng được trang bị không đến nỗi nào nhưng hàng chục năm làm quản lý tôi chưa hề thấy có trường hợp nào như vậy. Chúng ta cứ nói giảm tải ở đâu đâu nhưng việc phân tuyến này chưa thấy thực hiện" - vị giám đốc nọ dẫn chứng thêm.

Cùng với việc người dân ít tin tưởng vào tay nghề khám chữa bệnh của BV tuyến dưới thì tình trạng "nói mà không làm", đặc biệt là trong xây dựng các BV mới làm cho tình trạng quá tải ngày một tăng. Đó là chưa kể đến việc TP Hồ Chí Minh hiện còn thiếu tới hàng nghìn bác sĩ. Rõ ràng, bài toán ấy mình ngành y không giải nổi và vượt quá khả năng của họ.

Thế Dũng