Cục Đăng kiểm chịu trách nhiệm về các vụ cháy nổ ôtô, xe máy
Đời sống - Ngày đăng : 14:10, 04/01/2012
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT, cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này là Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng cho biết thêm khi những vụ cháy xảy ra dồn dập, các cơ quan quản lý mới ngộ ra một điều, từ trước tới nay, không ai quản lý, chịu trách nhiệm vấn đề này. Đây có thể coi là một “khoảng trống” về mặt pháp lý. Do đó, Cục Đăng kiểm đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, xây dựng các văn bản, quy định để quản lý vấn đề này, trong đó chú trọng các giải pháp quản lý chất lượng xe lưu hành, quy trình bảo dưỡng sửa chữa, ban hành các tiêu chuẩn khả năng chống cháy của nhà sản xuất…
Liên quan đến các vụ cháy xe máy, ôtô gần đây, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay, theo số liệu đơn vị này nhận được từ ngành Công an, nguyên nhân của khoảng hơn 50% số vụ cháy nổ vẫn chưa được làm rõ.
Theo số liệu từ Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, từ đầu tháng 12/2010 đến ngày 18/12/2011, riêng tại Hà Nội đã xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy.
Bên cạnh đó, qua báo chí phản ánh, trong năm 2011 trên phạm vi cả nước đã ghi nhận 89 trường hợp tương tự, trong đó có 50 vụ là ô tô, 39 vụ xe máy, làm 2 người chết, 2 người bị thương.
Ông Trịnh Ngọc Giao cũng cho hay, hiện Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã cơ bản xác định và phân loại nguyên dân dẫn đến các sự cố nói trên.
Theo đó, ngoài sự việc cháy xe máy gây chết người đau lòng tại Bắc Ninh có yếu tố hình sự, nguyên nhân do chập điện là 5 vụ việc, chiếm 11,6% tổng số vụ; va chạm 2 xe khi lưu thông trên đường gây cháy là 2 vụ, chiếm 4,6%; nguyên nhân do hỏa hoạn tại khu để xe gây cháy xe là 3 vụ, chiếm 6,9%; cố ý đốt xe là 1 vụ.
Đáng lưu ý là vẫn còn đến 72% số vụ việc (chiếm 31 trường hợp xe máy cháy nổ) vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Riêng về sự cố xảy ra với ô tô, số vụ chưa xác định được nguyên nhân cũng chiếm tỷ lệ khá cao, lên tới 50% với 25 trường hợp.
Đại diện Cục Đăng kiểm kiến nghị, để đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật cho các phương tiện, các cơ quan chức năng phải tăng cường việc quản lý đối với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, xe máy. Bởi thực tế, hiện nhiều cơ sở bảo hành, bảo dưỡng không có đủ trang thiết bị, nhân lực không được đào tạo bài bản dẫn đến chất lượng sửa chữa xe không đảm bảo, ảnh hưởng đến sự an toàn của phương tiện. Do đó, cần có những quy định về mặt bằng nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ và nhân lực đối với các cơ sở này.