Khủng hoảng hạt nhân tại Iran: Chưa có điểm dừng

Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 04/01/2012

(HNM) - Từ hai phía: chính quyền của Tổng thống Iran M.Ahmadinejad và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ liên tục ở trạng thái đối đầu nguy hiểm trên nhiều phương diện từ ngoại giao đến kinh tế - chính trị và cả về quân sự đang đẩy cuộc khủng hoảng vượt tầm kiểm soát.

Vũ khí hiện đại vừa được Iran thử nghiệm trong cuộc tập trận tại eo biển Hormuz khiến các nước phương Tây lo ngại.


Sau vụ bắn thử tên lửa tầm xa của Tehran, trước khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu bầu chọn đại diện của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 tại bang Iowa, ngày 3-1, các ứng cử viên của đảng này đã có những tuyên bố cứng rắn. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS, Hạ nghị sĩ Michele Bachman cho rằng, Mỹ cần triển khai tên lửa Patriot, tên lửa đạn đạo và hệ thống vũ khí hiện đại khác tại Mỹ và Trung Đông để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Iran rằng, nước Mỹ luôn sẵn sàng và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với Tehran. Trước đó, ngày 1-1-2012, phát biểu trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" của kênh truyền hình NBC, ứng cử viên đang nổi, cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum cho biết, thông điệp của Mỹ là: Tehran phải lựa chọn giữa việc mở cửa các cơ sở hạt nhân, tháo dỡ và cho phép các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra, hoặc "Mỹ sẽ phá hủy các cơ sở này bằng các cuộc không kích". Ngày 31-12-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành một loạt biện pháp trừng phạt bổ sung liên quan đến lĩnh vực tài chính của Iran, đặc biệt là với ngân hàng trung ương của nước này. Chỉ 24 giờ sau hành động này, đồng tiền của Iran đã bị mất giá ở mức kỷ lục (mất 12% trong phiên giao dịch ngày đầu tuần). Bên cạnh đó, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể gồm cả một lệnh cấm vận nhập khẩu dầu lửa từ Iran. Nếu quyết định này được thông qua tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Châu Âu vào cuối tháng này, chắc chắn đồng rial của Iran sẽ còn trượt dốc hơn nữa.

Trước gọng kìm trừng phạt siết chặt trên nhiều phương diện, Tehran cũng có những phản ứng mạnh mẽ. Chào đón năm mới, chính quyền của Tổng thống
M. Ahmadinejad đã mở một loạt các cuộc bắn thử các tên lửa trong cuộc tập trận lớn tại eo biển Hormuz, thử loại thanh nhiên liệu hạt nhân sẽ dùng trong các lò phản ứng hạt nhân, lên kế hoạch sản xuất các tàu khu trục hiện đại… Trong tuyên bố mới nhất phát đi ngày 3-1, Tư lệnh Hải quân Iran, Đô đốc Habibollah Sayyari khẳng định, nước này đã lên kế hoạch sản xuất các tàu khu trục hiện đại, có khả năng chiến tranh điện tử tối tân, kèm với đó là các tên lửa hiện đại. Rõ ràng Tehran đã có câu trả lời không kém phần cứng rắn trước áp lực đang ngày một gia tăng từ Mỹ và các đồng minh. Thậm chí, Tướng Hossein Salami, nhân vật số 2 trong lực lượng Vệ binh cách mạng Iran còn nêu rõ, Tehran sẽ đáp trả mối đe dọa này bằng mối đe dọa khác trên nhiều mặt trận. Cuộc "ăn miếng trả miếng" diễn ra trong bối cảnh Tehran đang thực hiện cuộc tập trận hải quân mang tên "Velayat-e 90" (Uy thế), kéo dài 10 ngày trên eo biển Hormuz (từ ngày 24-12-2011). Mặc dù, ngày 30-12-2011, ông H. Sayyari cho biết, Tehran không có ý định đóng cửa eo biển Hormuz, nhưng những động thái vừa qua của Iran tại eo biển này khiến mối lo ngại của dư luận về một cuộc phong tỏa con đường huyết mạch vận chuyển "vàng đen" của thế giới không phải không có cơ sở. Nếu xảy ra, đây sẽ là nguy cơ bất ổn lớn với thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn bất an. Bởi Hormuz là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới dành cho việc xuất khẩu các sản phẩn dầu và dầu lửa của các nước Vùng Vịnh (chiếm xấp xỉ 1/3 tổng số giao dịch dầu mỏ bằng đường biển).

Hiện tại, dư luận chưa có được tia hy vọng nào tạo ra phép thần kỳ để giải quyết, khai thông cuộc khủng hoảng. Các nhà quan sát cho rằng, câu chuyện Vùng Vịnh giờ đây không hề đơn giản. Và vấn đề hạt nhân của Iran được dư luận Vùng Vịnh nhìn nhận chỉ là một nguyên cớ để Mỹ và các đồng minh gây sức ép lên Iran. Nguyên nhân sâu xa là ở vị trí địa-chiến lược của Iran. Mỹ và các đồng minh muốn có ảnh hưởng lớn hơn nữa tại vị trí địa lý mà quốc gia Hồi giáo này đang sở hữu ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là tuyến đường vận tải biển đi qua eo biển Hormuz. Vì thế cuộc đối đầu căng thẳng giữa Washington và Tehran chưa hứa hẹn sớm có một điểm dừng.

Trung Hiếu