Cảnh giác với chủng virus cúm mới xâm nhập
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:02, 03/01/2012
Chủng cúm mới độc lực nhẹ
Mới đây, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh dịch Mỹ đã có thông báo sau khi phát hiện nhiều bệnh nhân mắc một chủng cúm mới (S-OtrH3N2) được xác định là do tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Phân tích về dịch bệnh mới này, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, dịch cúm mới có nguồn gốc từ Mỹ có thể nhẹ, lây truyền hạn chế và chưa có bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, trong 10 ca mắc virus cúm mới, có 3 ca gần đây nhất mắc vào tháng 11 năm nay và không tiếp xúc với lợn. Điều này khiến các bác sĩ lo ngại virus này có thể lây từ người sang người.
Nghiên cứu loại vắc xin điều trị cúm A/H1N1 tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Ảnh: Linh Tâm |
Đại diện Bộ Y tế, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, virus cúm H1N1 đại dịch đã trở thành chủng lưu hành, có khả năng lây lan nhanh nhưng không phải độc lực mạnh. Theo ông Bình, bản thân chủng virus cúm A/H1N1 đại dịch qua phân lập cũng đã phát hiện có các đoạn gen của cúm H5N1, cúm lợn và cúm H1N1 cũ. Trong trường hợp này các đoạn gen dù có sự liên kết với nhau nhưng rất may mắn là không tạo ra độc tính mạnh.
Theo các chuyên gia dịch tễ, không phải bây giờ người ta mới phát hiện ra có sự liên kết giữa các chủng virus cúm. Năm 2009, khi xuất hiện cúm A/H1N1, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo, chủng cúm H5N1 có thể kết hợp với chủng H1N1. Nguy hiểm ở chỗ là chủng H1N1 có khả năng lây lan rất nhanh, lại kết hợp thêm chủng H5N1 mang độc lực mạnh không loại trừ sẽ tạo thành chủng virus cúm cực độc.
Đánh giá về nguy cơ xuất hiện một chủng cúm mới, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, điều này hoàn toàn có thể xảy ra tại Việt Nam. "Khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam rất thuận lợi cho virus cúm phát triển. Thêm vào đó nước ta lại có rất nhiều chủng virus cúm lưu hành, gây bệnh như H1N1, H3N2, H5N1, cúm B vì thế nguy cơ các chủng virus cúm tái tổ hợp là rất cao" - bác sĩ Hà nói.
Chưa ghi nhận bệnh nhân mắc cúm mới
|
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đến thời điểm này chưa ghi nhận bệnh nhân cúm mắc chủng virus cúm mới tái tổ hợp từ hai cúm H1N1 đại dịch và H3N2. Hầu hết bệnh nhân cúm được điều trị mắc cúm thường H1N1, H3N2, cúm B... với các triệu chứng như sốt cao, đau người, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, đau họng. Người mắc cúm thường sẽ tự khỏi và ít mắc lại do cơ thể đã có miễn dịch. Tuy nhiên, trong trường hợp các chủng virus này tái tổ hợp thì chủng cúm mới sẽ khiến người mắc mất khả năng miễn dịch và dễ gây dịch.
TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vẫn tiếp tục giám sát đồng thời tình trạng nhiễm virus cúm ở người và động vật như lợn, gà, vịt... ở một số điểm nhằm xác định sự tương tác giữa các virus này để phát hiện sớm virus cúm mới. Tại Hà Nội, theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã được yêu cầu tăng cường giám sát các ca bệnh tại cộng đồng. Các bệnh viện của thành phố đã sẵn sàng trang thiết bị cấp cứu, cơ số thuốc, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời. Đặc biệt, Trung tâm Kiểm dịch quốc tế cũng đã tăng cường giám sát chặt các trường hợp có biểu hiện mắc cúm đến từ vùng có dịch.
Giới chuyên môn khuyến cáo, cúm vẫn là bệnh của đường hô hấp. Trong điều kiện lạnh và ẩm thấp, virus cúm thường sống "dai" hơn. Riêng virus cúm H5N1 có thể sống cả trong điều kiện môi trường lạnh khô và nóng ẩm nên càng phải cảnh giác. Virus cúm có khả năng gây biến chứng viêm phổi và tử vong đối với những người có sức đề kháng yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính... do đó mọi người không được chủ quan. Vắc xin cúm hiện có mặt tại Việt Nam chỉ là vắc xin phòng bệnh cúm thông thường như cúm A (H3N1, H3N2, H1N1). Tuy vậy, nếu một người đã được tiêm phòng cúm thường, trong trường hợp nhiễm cúm mới bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn.