Rạng danh đất nghề Chương Mỹ

Kinh tế - Ngày đăng : 22:31, 31/12/2011

(HNMO)- Ai cũng biết đến Hà Nội là “đất trăm nghề”. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, Chương Mỹ là một trong số các địa phương góp phần làm rạng danh “đất trăm nghề” Hà Nội.

“Đệ nhất” mây, tre, giang đan…
Hiện nay, huyện Chương Mỹ có 175 làng có nghề thì có tới 172 làng làm nghề mây tre giang đan. Trong số 172 làng có nghề mây, tre, giang đan thì đã có 33 làng được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống. Các làng nghề mây, tre, giang đan ở Chương Mỹ đã giúp trên 10 nghìn lao động có việc làm thường xuyên và vài chục nghìn lao động thời vụ. Thu nhập bình quân của một lao động trong các làng nghề mây, tre, giang đan từ 13- 15 triệu đồng/năm, trong khi đó thu nhập của lao động thuần nông chỉ khoảng 6 triệu đồng/ người/năm.

Trong số các xã có nghề mây, tre, giang đan phát triển bậc nhất ở Chương Mỹ phải kể đến Phú Nghĩa. Là xã có 100% số làng được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống, Phú Nghĩa có gần 2.300 hộ thì có 90% số hộ làm nghề mây, tre, giang đan. Trong xã có hàng trăm tổ hợp, cơ sở sản xuất, công ty TNHH chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây, tre, giang đan. Nhờ có nghề mây, tre, giang đan truyền thống phát triển mà người dân trong xã có việc làm thường xuyên, đời sống ngày càng được cải thiện, số hộ khá, giàu chiếm gần 50%. Sản phẩn mây, tre, giang của xã đã được các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường 50 nước trên thế giới. Với thế mạnh của các làng nghề, năm 2004 xã Phú Nghĩa đã được tổ chức Du lịch thế giới lựa chọn làng Phú Vinh vào chương trình phát triển du lịch bền vững, xoá đói giảm nghèo. Tổ chức này đã hỗ trợ cho xã Phú Nghĩa triển khai nhiều dự án và nhiều năm qua xã đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến thăm quan, trong đó có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhiều đoàn khách quốc tế.

Ngoài xã Phú Nghĩa, trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn một số xã như: Trung Hoà, Đông Phương Yên, Trường Yên, Đông Sơn… cũng đang có nghề, mây, tre giang đan khá phát triển và có nhiều làng đã được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống.

…tiếp đến nghề mộc
Bên cạnh nghề mây, tre, giang đan thì ở Chương Mỹ còn phải kể đến nghề mộc, đặc biệt là dòng dựng nhà thờ tư gia, từ đường, đình, chùa… Hiện nay, nghề mộc được đánh giá là một nghề “hot” ở Chương Mỹ. Nghề này giúp người lao động làm không hết việc, thu nhập cao, không phải lo “đầu ra” bởi khách hàng phải đặt hàng trước cả năm trời...

Nghề mộc đang thu hút rất nhiều lao động ở Chương Mỹ tham gia


Nhắc đến nghề mộc ở Chương Mỹ không thể không kể đến những cái tên làng nghề nổi tiếng như làng mộc Phù Yên xã Trường Yên, làng Phúc Cầu xã Thụy Hương... Ở đó, nghề mộc đã có truyền thống từ hàng trăm năm nay, khắp dọc dài Bắc Nam, đâu đâu cũng có dấu chân của những người thợ Phù Yên, Phúc Cầu. Những ông phó cả khéo tay của làng khẳng định, những sản phẩm của họ ngang ngửa với mộc Đồng Kỵ. Có những người thợ học nghề từ khi còn để chỏm.

Ở Phù Yên, Phúc Cầu ngay cả con gái cũng biết cầm đục, cầm tràng, điều khiển máy xẻ, máy cưa một cách thành thạo. Có nhiều nhà, cả vợ và chồng cùng tham gia làm nghề và đều là những tay thợ giỏi. Với khối lượng đặt hàng ngày một nhiều, những ngôi nhà nhỏ nhanh cũng phải vài tháng, còn không cũng phải 1- 2 năm. Số tiền cũng vì thế mà không hề nhỏ, ít nhất cũng phải 2 đến 3 tỷ đồng nên lương thợ rất xứng đáng.

Cùng là mộc nhưng ở Phúc Cầu có hai nhánh, mộc dân dụng và “mộc thần thánh”. “Mộc thần thánh” có nghĩa là nhánh thợ chuyên làm mộc phục vụ các công trình đình, chùa, miếu mạo, từ khôi phục những chi tiết, hoa văn bị hỏng theo thời gian đến việc thiết kế, phục dựng nguyên cả những công trình mới. Làm đình, chùa khó hơn hẳn công trình dân dụng, trong đó khó nhất là lấy mực thước- tức tỷ lệ, thiết kế. Người thợ giỏi, trước khi làm đã tự “vẽ” trong đầu mình về mảnh đất ấy, yêu cầu ấy sẽ dựng được công trình với tỷ lệ nào mới hài hòa, mới đẹp. Hết mực thước mới đến công đoạn khó là trạm trổ hoa văn.

Góp phần xây dựng nông thôn mới
Để thúc đẩy hơn nữa nghề tiểu thủ công nghiệp, nhất là nghề sản xuất hàng mây, tre, giang đan, những năm qua, huyện Chương Mỹ đã dành nhiều kinh phí cho công tác khuyến công, nhân cấy nghề, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn. Tính riêng trong năm 2011, toàn huyện đã mở được 66 lớp học nghề mây tre đan cho nhân dân 18 xã với 2.670 học viên.

Nhờ đó, năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- xây dựng cơ bản (giá cố định 1994) ước đạt 2.740 tỷ đồng (tăng 16,1 % so với năm 2010); giá trị tăng thêm đạt 844 tỷ đồng (tăng 17,4% so với cùng kỳ). Sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ổn định, có hiệu quả đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 15 lao động và hàng vạn lao động thời vụ. Ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay toàn huyện có 337 doanh nghiệp công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và gần 12.100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp cá thể đang hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế, thu hút lao động trên địa bàn vào sản xuất.

Để phát triển các điểm công nghiệp trong các làng nghề mây tre giang, UBND huyện Chương Mỹ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương. Do ảnh hưởng của tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu, từ cuối năm 2008 đến nay, huyện Chương Mỹ đã bắt tay cùng các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp mây tre giang nói riêng tháo gỡ những khó khăn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để cùng nhau phát triển, góp phần xây dựng huyện Chương Mỹ ngày càng giàu mạnh, văn minh. Trong đó, UBND huyện tiếp tục thực hiện Quyết định của UBND thành phố về phê duyệt quy hoạch và phát triển làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa nhằm phát triển làng nghề gắn với du lịch làng nghề với quy mô 345.000m2 với giá trị khái toán 65,6 tỷ đồng.

Đức Hải