Công tác Mặt trận ở cơ sở: Khó khăn đủ bề
Chính trị - Ngày đăng : 07:36, 31/12/2011
Năm qua MTTQ đã thành công rực rỡ, với kết quả vận động được 99,39% tổng số cử tri đã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. 99,7% KDC tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với số người tham dự và đóng góp ý kiến bàn biện pháp xây dựng đời sống văn hóa ở KDC đạt mức cao. Đặc biệt, năm 2011, các cấp MTTQ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo đạt con số kỷ lục, trên 140 tỷ đồng. Các cấp MTTQ cũng tham gia giám sát 3.629 vụ, phát hiện 1.774 vi phạm, kiến nghị thu về cho Nhà nước gần 10 tỷ đồng và hơn 17 nghìn mét vuông đất…
Nhờ làm tốt công tác MTTQ, khu dân cư Tương Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên nhiều năm liền đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Ảnh: Linh Tâm |
Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ MTTQ, công tác MTTQ vẫn còn khoảng trống, đó là các tập thể dân cư, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa còn thấp, chỉ từ 53% đến 61%. Bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, tuy đạt tỷ lệ thấp, nhưng những con số này cho thấy, MTTQ TP đã kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức trong việc bình xét thi đua. Bà Liên cho biết, ở nhiều địa phương khác trên cả nước, tỷ lệ đạt các danh hiệu văn hóa cao, nhưng chưa phản ánh thực chất chất lượng của các danh hiệu.
Trên thực tế, có không ít trường hợp KDC, làng, tổ dân phố văn hóa vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, việc thực hiện nếp sống văn minh chưa được tốt. "Nguyên nhân của thực trạng tỷ lệ đạt các danh hiệu văn hóa ở Hà Nội còn thấp được xác định thứ nhất là do sự bất nhất từ văn bản, cũng như các tiêu chí thực hiện, chưa thực sự phù hợp với đặc thù của Hà Nội. Theo bà Đỗ Thị Thái, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Thường Tín thì quy định đổi mới hình thức thi đua khen thưởng của TƯ MTTQ Việt Nam ban hành ngày 10-10-2011, danh hiệu "làng, ấp, bản, tổ dân phố được gọi chung là KDC có điểm không hợp lý. Dễ dàng thấy rằng một tổ dân phố ở nội thành có thể chỉ có vài trăm hộ dân, nhưng một thôn ở ngoại thành có tới hàng nghìn hộ. Nhận thức của người dân giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch, khác biệt, nếu áp dụng tiêu chí bình xét như nhau thì khó thực hiện. Không ít bức xúc xung quanh tiêu chí "cứng" như KDC, tổ dân phố phát sinh người nghiện mới, có người sinh con thứ ba hay vi phạm luật giao thông, có án hình sự xảy ra... không được xét danh hiệu văn hóa. Nhiều cán bộ Mặt trận cho rằng, rất nhiều KDC đạt tất cả tiêu chuẩn, chỉ vì có người sinh con thứ ba (mặc dù đối tượng có hộ khẩu, nhưng không sinh sống trên địa bàn nên không quản lý được), nếu trừ điểm thi đua thì khó đạt danh hiệu văn hóa. Và như vậy đương nhiên chưa phản ánh thực chất phong trào tại chỗ, chưa động viên được cơ sở.
Một thực trạng nữa là, kinh phí tổ chức ngày hội, các hội nghị ở KDC, làng, tổ dân phố, thậm chí chế độ đối với cán bộ làm công tác Mặt trận cơ sở cũng không thống nhất, nơi nhiều nơi ít, phụ thuộc điều kiện kinh tế của từng địa phương. Do đó, khắc phục những bất cập về quy định và cơ chế trong việc xét danh hiệu KDC văn hóa là việc cần thiết, giúp thúc đẩy phong trào ở cơ sở đi vào thực chất.