Năm kịch tính của giá vàng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:50, 30/12/2011
Như vậy, tính từ đầu năm đến cuối năm, giá vàng đã "leo thang" thêm khoảng 7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức giá 42 triệu đồng/lượng vẫn được coi là thấp, bởi có thời điểm, vàng đạt tới 49,1 triệu đồng/lượng (ngày 23-8)...
Ngày 29-12, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh, mất hơn 800 nghìn đồng/lượng so với chiều 28-12, giảm khoảng 1,4 triệu so với đầu tuần (26-12). Tại thời điểm 15h, vàng SJC của Công ty Vàng bạc - Đá quý SJC Hà Nội xuống sát ngưỡng 42 triệu đồng/lượng, niêm yết ở mức 41,92 triệu đồng/lượng (mua vào) - 42,12 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu vẫn thấp hơn vàng SJC khoảng 800 nghìn đồng/lượng, giao dịch với giá 41,05 triệu đồng/lượng (mua vào) - 41,32 triệu đồng/lượng (bán ra). So với thời điểm tháng 1-2011 (khi giá dao động quanh ngưỡng 35 triệu đồng/lượng), giá vàng tăng 7 triệu đồng/lượng.
Nếu như vào thời điểm đầu năm, mức giá 40 triệu đồng/lượng có thể làm nhiều người ngỡ ngàng, thì giờ đây, ngưỡng 42 triệu đồng/lượng lại được coi là mức giá không cao. Bởi trong suốt một năm, giá vàng trải qua những biến động đầy kịch tính, khi leo từ mức trên 35 triệu đồng/lượng lên 37 triệu đồng (thời điểm giữa năm 2011), rồi đến 38 triệu đồng/lượng (ngày 12-7), bỏ xa ngưỡng 39 triệu đồng/lượng, đạt 39,55 triệu đồng/lượng vào phiên 19-7. Đến cuối tháng 7, giá đã chinh phục ngưỡng 40 triệu đồng/lượng. Song, không dừng lại ở đó, giá vàng tiếp tục chinh phục những "đỉnh" mới. Chỉ trong tháng 8, vàng vượt qua 44 triệu đồng, rồi đến 46 triệu đồng/lượng, 48 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên 49,1 triệu đồng/lượng.
Trong 4 tháng cuối năm, giá vàng tiếp tục biến động thất thường, nhưng những kịch tính của vàng không phải ở sự trồi sụt của giá, mà là sự chênh lệch giữa các thương hiệu vàng miếng trong nước. Từ mức ngang bằng nhau, vàng miếng SJC bỗng dưng "có giá" hơn hẳn những thương hiệu vàng miếng khác khi người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước tuyên bố vàng miếng SJC có thể trở thành thương hiệu quốc gia. Người dân đổ dồn về các cửa hàng vàng của SJC để mua, trong khi đó xếp hàng để bán vàng không phải của SJC, khiến những DN này buộc phải kéo giá xuống thấp để thu hút khách hàng. Chưa bao giờ thị trường vàng trong nước lại náo loạn đến thế. Những ngày đầu, vàng SJC chỉ "chênh" các loại khác khoảng 400-500 nghìn đồng/lượng, nhưng sau đó, mức "chênh" tiếp tục được kéo ra tới 900 nghìn đồng - 1 triệu đồng/lượng. Đây là tình trạng chưa từng xảy ra trước đó.
Một điểm đáng nhớ trong năm 2011 đối với vàng chính là mức chênh giữa giá trong nước và thế giới. Trong nhiều phiên giao dịch cuối năm, giá trong nước cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng/lượng. Ngày 29-12, giá vàng trong nước sụt giảm mạnh, mất gần 1 triệu đồng/lượng, xuống ngưỡng 42 triệu đồng/lượng, song quy đổi từ giá vàng thế giới là 1.552 USD/ounce (thời điểm 15h theo giờ Việt Nam) ra VND theo tỷ giá trên thị trường tự do, giá vàng trong nước vẫn "chênh" gần 3 triệu đồng/lượng. Mặc dù ngành chức năng đã đưa nhiều biện pháp "gỡ", giúp ổn định thị trường, song mức chênh giữa hai thị trường vẫn chưa được thu hẹp. Có DN kinh doanh vàng lý giải, giá trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới là do cầu trong nước tăng cao, trong khi lượng cung không đủ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, không thể "đổ lỗi" cho người dân mua quá nhiều vàng, khiến giá trong nước bỏ xa giá thế giới, mà chủ yếu do DN cố tình đẩy giá lên cao. Với mức chênh lệch tới 3 triệu đồng/lượng, người dân đang phải chịu thiệt. Như vậy, mục tiêu mà ngành chức năng đặt ra là đưa mức chênh giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới về 400 nghìn đồng/lượng có vẻ khó đạt.
Nhìn lại một năm đầy kịch tính của giá vàng, đại diện một công ty kinh doanh vàng phải thừa nhận, chưa bao giờ giá vàng lại biến động nhiều và DN kinh doanh vàng lại gặp khó như năm 2011. Còn đối với nhà đầu tư, kênh vàng không còn là kênh mang lại nhiều lợi nhuận cho những người thích lướt sóng, bởi biên độ dao động của giá vàng quá lớn.