Liệu còn vướng do quy hoạch?

Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 30/12/2011

(HNM) - Mâu thuẫn giữa việc xây trụ sở UBND phường, trường mầm non với nhu cầu dành đất làm vườn hoa, sân chơi tại lô đất B6, khu dân cư Đầm Trấu, phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng) đã dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài vì nguyện vọng của người dân và chính quyền chưa

Bất cập từ quy hoạch

Năm 1993, được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội, hơn 400 hộ dân đã góp tiền với Nhà nước để cải tạo, san lấp 6ha diện tích mặt nước hồ Đầm Trấu, phường Bạch Đằng thành mặt bằng xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch, khu dân cư được để lại khoảng 10.000m2 làm sân chơi, bãi đỗ xe, vườn hoa… nhưng đến nay các hạng mục này đều chưa có. Năm 2000, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 1983, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở Đầm Trấu, trong đó công trình trường mầm non, trụ sở UBND phường được "định vị" ở tầng 1, 2 nhà A10. Chính sự điều chỉnh nói trên đã gây bất lợi, bởi nhà A10 là chung cư 5 tầng, trong đó toàn bộ diện tích của tầng 1, 2 được sử dụng làm trụ sở của UBND phường và Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên. Do không có bãi gửi xe nên toàn bộ vỉa hè nhà A10 biến thành bãi trông, giữ xe máy, còn ô tô đỗ ngay dưới lòng đường và do trường học trong khu nhà ở nên không có lối thoát hiểm... Bên cạnh đó, thêm một điều rất phản cảm khi ngay trên trụ sở UBND phường là chỗ phơi quần áo của các hộ dân tầng 3, 4, 5…

Trụ sở UBND phường Bạch Đằng ở vị trí không hợp lý, gây nhiều bất lợi.


Trong Quyết định điều chỉnh quy hoạch số 1983 cũng ghi rõ, dành diện tích hơn 2.000m2 trồng cây xanh, còn bãi đỗ xe và sân thể thao là 5.000m2, song không chỉ định tại vị trí nào nên người dân không rõ những công trình này được sắp xếp vào đâu vì quy hoạch khu dân cư đã lấp đầy? Đến nay, tại khu nhà ở Đầm Trấu chỉ còn duy nhất lô đất B6, rộng khoảng 2.700m2 vẫn là đất trống và từ lâu đã thành bãi trông giữ xe tự phát của một số hộ dân sống gần đó. Căn cứ vào Quyết định 04/2008/QĐ-UB ngày 3-4-2008 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, thì tỷ lệ đất tối thiểu để trồng cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình là 20% nên nhiều hộ dân kiến nghị với cơ quan chức năng để lại diện tích ở B6 làm vườn hoa, sân chơi cho người dân.

Năm 2003, Trường THPT dân lập Văn Hiến xin được xây trường học tại B6, nhưng vì phường đã có 4 trường là: THCS Lương Yên, Tiểu học Lương Yên, Mầm non Lê Quý Đôn và Mầm non Hoa Thủy Tiên, đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho các cháu trên địa bàn nên UBND thành phố không chấp thuận. Thay vào đó, tháng 9-2009, UBND TP ký văn bản giao cho quận Hai Bà Trưng triển khai thủ tục thu hồi khu đất B6 giao Trung tâm Phát triển quỹ đất của quận quản lý, lập dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng theo chỉ đạo của UBND TP, đưa vào khai thác, sử dụng trong quý I-2010. Đợi mãi không thấy công trình nào triển khai, người dân tiếp tục đề nghị cấp thẩm quyền cho xây dựng vườn hoa, nhưng không được tán thành. Ngày 14-10-2011, tại văn bản số 8764, UBND TP giao quận Hai Bà Trưng "tiến hành triển khai, lập dự án đầu tư xây dựng trường mầm non, trụ sở UBND phường Bạch Đằng tại B6 theo đúng quy hoạch chi tiết đã được UBND thành phố phê duyệt".

Những thắc mắc chưa lời giải đáp

Nghiên cứu nội dung tại văn bản 8764 nêu trên, một số hộ dân ở khu dân cư 12 thắc mắc: Từ khi có quyết định điều chỉnh quy hoạch số 1983 ngày 4-5-2000 của UBND thành phố, đến nay không có bản quy hoạch chi tiết nào khác và trong quyết định điều chỉnh nói trên thì trụ sở UBND phường, Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên vẫn có vị trí tại nhà A10.  Vả lại, trong thời điểm thắt chặt chi tiêu công theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc xây dựng các công trình này là không cần thiết vì phường Bạch Đằng đã có hai trụ sở làm việc ở nhà A10 và phố Lương Yên; ngoài Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên, phường còn có Trường Đống Mác, Lê Quý Đôn. Hơn nữa, về lâu dài, nếu xây dựng thêm các công trình thì khu Đầm Trấu sẽ chịu sự chất tải quá nhiều, vì khu dân cư Đầm Trấu có đến 9 tổ dân phố nhưng chỉ có duy nhất một cổng đủ rộng để ô tô có thể ra, vào dễ dàng, chưa kể cổng ra, vào này lại nằm đối diện bến xe Lương Yên, trong khi đó các đường nội bộ lại rất nhỏ hẹp.

Vấn đề này, ông Đặng Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết, ngay từ khi hình thành, cả quận Hai Bà Trưng và thành phố đều có chủ trương xây trường học ở lô B6. Để khách quan, UBND phường đã lấy ý kiến của người dân sống trên địa bàn toàn phường, kết quả 89,96% đồng tình xây trường mầm non, 89,44% xây trụ sở UBND phường và 87,31% xây vườn hoa. Điều này đã phản ánh đúng nguyện vọng của người dân vì Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên không thể đáp ứng điều kiện trường chuẩn quốc gia, còn trụ sở UBND phường cần phải được tách rời, độc lập với hệ thống nhà chung cư. Để làm rõ những thắc mắc của người dân, phóng viên Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với UBND quận Hai Bà Trưng từ cuối tháng 11-2011, song đến nay UBND quận vẫn không có hồi âm!

Việc xây trường học, trụ sở UBND phường Bạch Đằng như đã nêu trên là nhằm khắc phục nhược điểm trong bản quy hoạch cũ và vì lợi ích chung của cộng đồng. Muốn làm được như vậy thì giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của thành phố và đông đảo người dân nơi đây cần phải có sự đồng thuận cao.

Bài, ảnh: Thiện Mỹ