Chưa tìm ra "thuốc đặc trị"

Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 29/12/2011

(HNMO) - Những ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn tại hội nghị cho thấy công tác quản lý, tổ chức LH năm 2011 còn nhiều vấn đề bất cập và những bất cập đó không dễ được khắc phục trong mùa LH năm 2012.

Những ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn tại hội nghị cho thấy công tác quản lý, tổ chức LH năm 2011 còn nhiều vấn đề bất cập và những bất cập đó không dễ được khắc phục trong mùa LH năm 2012.

Những bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội cần sớm được khắc phục. Ảnh: Đức Nghiêm


"Lượng" nhiều, "chất" ít

Theo thống kê, cả nước có hơn 8.000 LH, trong đó LH dân gian chiếm đa số với 7.966 LH trải đều khắp các vùng, miền. Những điều chướng tai gai mắt của LH đã được đề cập, phản ánh khá nhiều, ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp nào chấn chỉnh hiệu quả cho dù Chính phủ đã ban hành Công điện số 162 ngày 9-2-2011 nhằm nâng cao công tác quản lý và tổ chức LH.

Ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho hay: Hầu hết các LH diễn ra trong năm 2011 thu hút lượng khách tham gia đông hơn những năm trước nhưng công tác an ninh, trật tự chưa được bảo đảm. Điển hình là cảnh chen lấn, xô đẩy để cướp ấn ở đền Trần (Nam Định) vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Những nơi có LH diễn ra dài ngày như di tích Phủ Dầy (Nam Định), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Trần (Thái Bình), Chùa Hương (Hà Nội)… đã "tranh thủ" lập nhiều ban thờ, nhiều hòm công đức và đĩa để tiền "giọt dầu" khiến tiền lẻ vương vãi khắp nơi, vừa lãng phí, vừa làm mất đi vẻ trang nghiêm, thanh tịnh nơi cửa Phật, vừa gây phản cảm cho khách hành hương. Hiện tượng nâng giá, ép giá, lưu hành ấn phẩm không được phép xuất bản, đeo bám, chèo kéo du khách, xả rác bừa bãi, khấn thuê, đốt đồ mã tùy tiện, bói toán, cờ bạc trá hình… vẫn tồn tại phổ biến ở các LH, nhất là các LH phía bắc. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân tham dự LH ngày càng mang nặng mục đích cầu lộc, cầu an, cầu phúc, cầu danh lợi, tiền tài mà không hiểu được giá trị thanh cao của LH là biết ơn các bậc tiền nhân có công với dân, với nước, là sự gửi gắm niềm tin vào những điều chân - thiện - mỹ; còn chính quyền các địa phương thì đang chạy theo "mốt" tự nâng cấp LH, tự xưng danh là LH cấp quốc gia, quốc tế trong khi không có cơ sở khoa học và thực tiễn…

Minh chứng cho nhận định trên, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết: Năm 2011, Thanh tra Bộ và các sở đã xử phạt hơn 3.500 trường hợp vi phạm về văn hóa, nộp ngân sách Nhà nước hơn 15 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2010), trong đó vi phạm về LH chiếm số nhiều.

Khó xây dựng mô hình quản lý

Không phải đến bây giờ, đơn vị quản lý LH cao nhất là Bộ VH,TT&DL mới quyết tâm tìm lại những giá trị đích thực cho LH. Thực ra, Bộ và các cơ quan chức năng dưới Bộ đã thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, vận động các địa phương có di tích, LH tổ chức LH cho đúng quy định khá thường xuyên, liên tục nhưng có vẻ sự chỉ đạo này chưa đến nơi, chưa quyết liệt khiến BTC các LH biết luật và vẫn lách luật, còn người dân thì ứng xử với LH theo cách hiểu của mình. Đây chính là nguyên nhân cơ bản nhất khiến những tồn tại, hạn chế trong LH nói đi, nói lại, nói mãi từ năm này sang năm khác... vẫn như thế và mùa LH năm 2011 không phải là ngoại lệ.

Đáng buồn hơn khi đầu năm 2011, Bộ giao cho Cục Di sản văn hóa nghiên cứu mô hình quản lý các di tích (DT) trong cả nước, đặc biệt là các di tích có LH lớn để tìm ra mô hình quản lý DT phù hợp, qua đó phân cấp quản lý, tổ chức LH cho phù hợp, nhưng đến nay, Cục Di sản vẫn chưa làm gì. Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa là "các DT ở Việt Nam quá đa dạng, khó có thể làm nhanh". Tương tự, Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam được giao nhiệm vụ "Nghiên cứu sự khác nhau giữa tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan" để các nhà quản lý và mỗi người dân phân biệt rõ đâu là tôn giáo, đâu là tín ngưỡng, đâu là mê tín dị đoan nhằm hạn chế tình trạng sa đà vào mê tín dị đoan hoặc lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi trong các di tích, LH đến nay cũng chưa thực hiện được vì… khó. Vì khó nên Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam "khất nợ" với Bộ đến năm 2012. Về việc nên hay không nên cấm đốt đồ mã, vàng mã trong các LH, ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tiếp tục đưa ra quan điểm "Đây là vấn đề khó, vượt quá giới hạn của ngành VH,TT&DL nên cần phải được nghiên cứu kỹ hơn".

Ngay với LH đền Trần (Nam Định) - LH "hót" nhất trên diễn đàn báo chí trong thời gian qua, mặc dù đã được Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam xây dựng kịch bản, tư vấn cách thức tổ chức nhưng đến nay Nam Định vẫn chưa có kế hoạch tổ chức cụ thể. Ông Khúc Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Nam Định cho biết, dự kiến, LH đền Trần năm 2012 sẽ có phần lễ và phần hội riêng biệt. Phần khai mạc, lễ dâng hương sẽ diễn ra vào sáng 14 tháng Giêng thay cho thời gian đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng như mọi năm. Đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng sẽ làm lễ khai ấn nhưng không tổ chức phát ấn. Lễ khai ấn sẽ do các cụ nhà đền và nhân dân trong vùng tổ chức theo nghi thức truyền thống, còn ấn sẽ được phát từ 8 giờ sáng ngày 15 và kéo dài đến hết tháng Giêng.

Còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Âm lịch, đất trời vào xuân, hội hè, đình đám lại tưng bừng ở khắp các địa phương mà đến thời điểm này kế hoạch tổ chức LH đền Trần mới là dự kiến, các mô hình quản lý nhằm giảm tải sự lộn xộn trong LH vẫn chỉ là ý tưởng thì e rằng công tác quản lý và tổ chức LH vẫn chưa thể có nhiều chuyển biến, ít nhất là trong năm 2012.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái:
Đối với văn hóa thì chúng ta không thể ứng xử bằng biện pháp hành chính mà phải tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của LH hiện nay thì nhất thiết phải sớm triển khai việc quy hoạch LH, xây dựng mô hình quản lý di tích và quy chế tổ chức Festival.

Đại diện Văn phòng Bộ VH,TT&DL khu vực miền Trung - Tây Nguyên Nguyễn Văn Tuấn:
Để LH diễn ra đúng với bản chất, ý nghĩa của nó, tôi cho rằng nên trả LH về đúng với chủ thể của nó, có nghĩa là LH thuộc về tôn giáo thì để các tổ chức tôn giáo tổ chức, LH dân gian thì để nhân dân tổ chức, Nhà nước chỉ nên quản lý an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tổ chức.

Minh Ngọc