Cảnh báo “đói nghèo đa chiều”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 29/12/2011
Lưu ý nói trên không phải là điều mới, bởi cách nay hơn một tháng, tại buổi lễ công bố Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2011, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam đã đưa ra nhận định: "Từ năm 1990 đến 2011, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng đáng kinh ngạc với mức 228%, sự tiến bộ về phát triển con người chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế". Từ nhận định nói trên, dễ hiểu là đằng sau mức tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) đáng khích lệ trong vòng hơn một thập kỷ qua, có lý do để thúc đẩy việc tìm kiếm thêm giải pháp phục vụ mục tiêu phát triển con người bền vững. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế góp hơn 50% vào chỉ số HDI, trong khi sự đóng góp từ y tế, giáo dục không ở mức tương xứng với vai trò của chúng. Sự thiếu hụt nói trên, cùng với sự hạn chế nhất định về an sinh xã hội, có thể dẫn đến những hệ lụy khác, như nới rộng bất bình đẳng giữa các vùng miền, nhóm kinh tế - xã hội và bất bình đẳng giới…
Theo dẫn giải của các chuyên gia về phát triển con người, một tỷ lệ trung bình về HDI ở mức đáng khích lệ, chủ yếu dựa trên thành tựu kinh tế và sự thăng tiến trong thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục tại các đô thị lớn có thể đã che giấu phần nào tình trạng tụt hậu ở các địa phương kém phát triển hơn. GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhận định tại lễ công bố chỉ số HDI 2011: "Thực tế thời gian qua, do chú tâm nhiều hơn về tăng trưởng kinh tế, chúng ta chưa đầu tư thích đáng cho một số mặt phát triển con người quan trọng khác như y tế, giáo dục. Những tồn tại khác như hiệu quả sử dụng đầu tư thấp, chênh lệch về chất lượng dịch vụ giữa các vùng, miền, mức độ tiếp cận dịch vụ khác nhau giữa các nhóm kinh tế - xã hội… đã hạn chế nhiều về tiến bộ phát triển vì con người một cách toàn diện".
Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình gần đây dẫn các chuyên gia đến nhận định rằng, nhiều khả năng tỷ lệ nghèo đói phi tiền tệ (hộ thiếu thốn ở ba yếu tố trở lên, chứ không chỉ là thiếu tiền) đã ở mức trên 23% và điều đáng ngại là có đến 20% dân số có nguy cơ đói nghèo đa chiều (thiếu thốn ở hai yếu tố) tập trung ở một số tỉnh nghèo. Sự nghèo, theo cách nhìn nhận mới dựa trên quan điểm coi con người là trung tâm, có thể đến với các hộ gia đình do mức độ tiếp cận với các dịch vụ cơ bản rất hạn chế, đặc biệt là về y tế, giáo dục. Các cuộc khảo sát cho thấy, nhiều gia đình đã quay trở lại mức nghèo bởi đã chi trả vượt quá khả năng cho dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Những điều đã được công bố cho thấy không thể chủ quan với những chỉ số trung bình liên quan đến phát triển con người, cho dù đó là những chỉ số lạc quan hay không. Chủ đề của lễ công bố Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2011 được xác định là "Dịch vụ xã hội cho phát triển con người", rất trúng mục tiêu và hành động cần có để phát triển con người toàn diện, bền vững. Về cơ bản, ngoài việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế để phục vụ mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam cần tập trung nguồn lực cho bảo trợ xã hội, tăng cường chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, trong đó có xây dựng chính sách mang tính đặc thù với những người dân ở các địa phương kém phát triển, những nhóm xã hội dễ bị tổn thương.