Hãy mở rộng vòng tay

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:17, 29/12/2011

(HNM) - 138 em là 138 số phận khác nhau. Có em ngay từ khi sinh ra đã không biết đến mặt cha mẹ hay người thân của mình. Có em mười mấy tuổi vẫn không biết quê quán ở đâu… Nhưng các em đều có một điểm chung là đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/ADIS.

Đến với Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thực sự khâm phục trước những nỗ lực mà các em vượt lên hàng ngày để chống chọi với bệnh tật, được đến trường… Hơn tất cả là khát khao được sống, cống hiến cho xã hội như bao người bình thường.

Lớp học dành cho trẻ có HIV.

Gập ghềnh đường đến trường

Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là cô bé V.Tr, 11 tuổi, quê ở Quảng Ngãi. Không phải đi học, chiều nay V.Tr ở nhà chơi với các em. Trước khi bắt đầu câu chuyện V.Tr nhắc đi nhắc lại với tôi: "Chú ơi, chú đừng đưa tên con lên báo nhé, vì nếu các bạn ở lớp mà biết con bị nhiễm HIV các bạn sẽ không chơi với con đâu". Sau một hồi động viên, V.Tr kể: "Con cũng không hiểu nữa, chỉ nghe bà ngoại nói rằng con không may bị kim tiêm có HIV đâm vào chân. Sau khi đi khám, bác sĩ tư vấn là con nên vào Trung tâm Linh Xuân để điều trị. Chuyện đó xảy ra từ khi lên 3 tuổi nên giờ con cũng không nhớ gì nữa".

Trong ký ức tuổi thơ của V.Tr chỉ có bà ngoại, người mà cách đây 6 năm thỉnh thoảng đến trung tâm thăm em. "Con cũng muốn một lần được về thăm quê nhưng con chẳng biết nhà mình ở đâu. Lâu lắm chẳng ai đến thăm con. Con chỉ biết những ai gửi thư cho con là người thân của con" - V.Tr chia sẻ. Được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của các cô giáo, các mẹ ở Trung tâm Linh Xuân là niềm hạnh phúc lớn nhất với V.Tr. Em luôn coi đây là mái nhà đại gia đình của mình. Song, cũng như bao bệnh nhân HIV khác, do sức đề kháng kém nên V.Tr rất hay bị ốm mỗi khi trái gió trở trời. Nếu trẻ bình thường bị cảm cúm vài ngày là khỏi, thì V.Tr phải mất cả tuần.

May mắn hơn một chút so với V.Tr, cậu bé N.M.T, năm nay học lớp 6, là con một trong một gia đình ở quận 1, TP Hồ Chí Minh. Khi được hỏi vì sao em lại vào đây sống, N.M.T kể: "Ba em bị HIV rồi truyền sang mẹ. Ba mẹ mất từ khi em lên 1 - 2 tuổi gì đó nên em phải sống với bà ngoại. Mãi đến năm 9 tuổi, khi nhà trường cho nghỉ học để đi khám em mới biết mình bị HIV. Khi đó em cảm thấy rất buồn vì các bạn xa lánh. Sau khi ở nhà một thời gian, các cô chú ở phường khuyên em nên vào đây. Mặc dù học trễ một năm nhưng em rất vui khi được sống trong mái nhà Linh Xuân này". "Ở lớp có một vài bạn biết em bị HIV nhưng các bạn giữ bí mật, không kể với ai. Em thấy việc hòa nhập vào cuộc sống cũng như đi học của những người như em thật khó. Em sợ một ngày nào đó các bạn biết em bị HIV rồi lại xua đuổi, em không được đi học nữa" - N.M.T lo lắng.

Không có được tuổi thơ yên bình, không có một gia đình trọn vẹn, các em sinh ra vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Cảm thương cho các em, nhưng hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc cho em thì có lẽ không phải ai cũng dám dấn thân như 76 cán bộ, công nhân viên, cô giáo… của Trung tâm Linh Xuân. Cô Nguyễn Thị Kim Tiên - Giám đốc trung tâm cho biết: "Có đến hơn 70% số nhân viên chăm sóc các bé ở đây từng là trẻ mồ côi, sống trong trung tâm. Lớn lên, nhiều người được đi học và trở về làm công tác phục vụ, chăm lo cho các bé. Vì sợ sẽ bị ảnh hưởng mà nhiều cô đã không lập gia đình, tự nguyện gắn bó cả đời mình với các em".

Nơi chắp cánh ước mơ

Từng là trẻ mồ côi, cô giáo Nguyễn Thị Liễu - người đã gắn bó với trung tâm từ khi thành lập năm 2002 - tâm sự: "Đã từng ở hoàn cảnh của các em nên mình rất muốn ở lại trung tâm chăm sóc các em. Một lý do nữa là vì các em bị bệnh hoài, nếu không có ai dạy học các em sẽ thiệt thòi. Lúc nào cũng cảm thấy thương các em là lý do khiến mình muốn ở lại đây". Cô Liễu cho biết, trước khi vào trung tâm làm việc cô phải mất không ít thời gian để thuyết phục bạn trai, chính là người chồng bây giờ…

Đã gần 10 năm gắn bó với trung tâm, cô Liễu nhận thấy các em ở đây chịu nhiều thiệt thòi so với trẻ bình thường. "Các cháu rất hay bị bệnh. Từ bé đã không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên các cháu cũng chậm nói, chậm hiểu hơn… Vì thế, trung tâm chia thành nhiều lớp học khác nhau như nhóm trẻ học được, nhóm tiếp thu chậm vừa học vừa chơi, nhóm chuyên biệt chỉ chơi thôi" - cô Liễu tâm sự.

Từng gắn bó với trung tâm từ năm 2004 đến nay, cô Nguyễn Thị Bảo Châu chia sẻ. "Trước khi vào trung tâm, mình làm ở Trường Mầm non Hoa Phượng nên cũng gần gũi, gắn bó với các em nhỏ. Mẹ mình từng làm việc ở trung tâm, nên khi biết mình vào đây làm bà rất ủng hộ. Tuy nhiên hàng xóm của mình lại ngại ngần khi biết mình hay dắt con vào đây chơi" - cô Bảo Châu nhấn mạnh - mình quyết tâm ở lại chăm sóc các cháu vì biết rõ HIV lây qua con đường nào. Vả lại nếu xã hội ai cũng sợ, ai cũng ngại thì ai chăm sóc các cháu đây? Điều mà cô Liễu, cô Bảo Châu mong muốn nhất là các em khỏe mạnh, được tiếp cận với các loại thuốc tốt để duy trì cuộc sống.

Được thành lập ngày 30-3-2010 (trước đây là trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình 2, quận Thủ Đức), Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân có chức năng tiếp nhận và quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng chăm sóc và chữa bệnh cho trẻ mồ côi nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn TP. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc 138 cháu từ sơ sinh tới 16 tuổi. Tất cả các em đều gánh "nỗi đau kép" khi vừa bị nhiễm HIV vừa phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, hoặc bị bỏ rơi.

Để có được ngày hôm nay, lãnh đạo, nhân viên, giáo viên trung tâm cùng với các em có HIV đã phải tốn bao công sức, cả nước mắt với mục đích cuối cùng là nhà trường và xã hội hãy cho các em quyền được đi học. Ban đầu, Trung tâm phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương phải giữ kín hồ sơ về các em có HIV, tránh tâm lý hoang mang cho các em bình thường khác. Trong trường hợp các em cùng lớp phát hiện bạn mình sống ở trung tâm, các em có HIV sẽ nói rằng, có người thân làm trong đó và vào chơi. Các em cũng phải "đóng kịch" là có bố, mẹ làm việc ở đâu đó trong quận để bạn cùng lớp không nghi ngờ. Trung tâm còn cử cô bảo mẫu đóng vai trò là người mẹ đưa đón các em, qua đó nghe ngóng dư luận và phản ứng của các phụ huynh, rồi báo cáo ban giám đốc để có hướng xử lý. Tuy nhiên đã có trường hợp phụ huynh biết là con mình đang ngồi lớp với trẻ có HIV liền đến nhà trường phản ánh, đòi chuyển lớp cho con.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 4.000 trẻ em có HIV, trong đó gần 2.000 em đang được điều trị ARV. Thế nhưng khoảng 2/3 số trẻ đó không được đến trường bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng. Khi xã hội vẫn chưa thực sự mở rộng vòng tay để chào đón những trẻ bị HIV/AIDS, rất cần những tấm lòng như cô Liễu, cô Bảo Châu… tại Trung tâm Linh Xuân. Họ chính là những người chắp cho đôi cánh ước mơ cho các em được bay xa hơn để hòa nhập vào cộng đồng, được sống và trở thành một người có ích cho xã hội. Chia tay chúng tôi, cô Kim Tiên mong rằng: "Thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, xã hội từng bước bớt kỳ thị với các em. Mong muốn trước mắt của trung tâm là mở rộng cơ sở vật chất, vì thiết kế ban đầu chỉ đủ chỗ ăn, ở cho 100 em dưới 10 tuổi. Hiện nay trung tâm đã quá tải, do đó các nhu cầu cũng phát sinh ngày càng nhiều nhằm để đáp ứng theo nhu cầu phát triển của các em".

Đình Hiệp