Cách nào hài hòa truyền thống và hiện đại?
Xã hội - Ngày đăng : 08:01, 28/12/2011
Nhiều tầng ý nghĩa
Căn cứ vào tư liệu lịch sử, các nhà khoa học cho rằng, Lễ hội Đèn Quảng Chiếu bắt đầu từ thời Lý, kéo dài cho tới thời Trần, diễn ra trong bảy ngày bảy đêm, có nguồn gốc Phật giáo nhưng lại do triều đình tổ chức. Lễ hội mang ý nghĩa "quảng chiếu" ánh sáng từ bi, bác ái của đạo Phật không chỉ cho nhà vua, triều đình mà còn cho muôn dân, mong cho quốc thái dân an, thái bình thịnh trị.
Phục dựng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu là một trong những hình thức đề cao giá trị di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. |
"Đại Việt sử lược" ghi, vào năm Canh Dần (1110): "Mùa xuân, tháng giêng, tổ chức hội Đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng"; năm Bính Thân (1116) ghi "Mùa xuân, tháng giêng tổ chức hội Đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng, chế tạo nhà sư bằng gỗ cột vào đánh chuông". Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép vào năm Canh Tý (1120) "Mùa xuân, tháng hai, mở hội Đèn Quảng Chiếu" và năm Bính Ngọ (1126) "Mùa xuân, tháng giêng, mở hội Đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem". Hay như bia chùa Đọi (Hà Nam) thời vua Lý Nhân Tông cũng miêu tả trên đá về Đèn Quảng Chiếu: "Uốn hình cung nâng lấy son vàng. May lồng nhiễu che chon ngọn lạp. Giấu cơ vi ở dưới đất, như bánh xe xoay chuyển...".
Ngoài ý nghĩa tôn vinh truyền thống, việc phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu - lễ hội cung đình còn được các nhà khoa học coi đó là một trong những hình thức, biện pháp đề cao giá trị di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. PGS, TS. Phan Khanh (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) khẳng định: "Chính di sản văn hóa phi vật thể tạo ra sức sống cho một di tích. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã tồn tại hơn 1.300 năm với rất nhiều sự kiện, lễ nghi ở tầm quốc gia, triều đình, trong đó có lễ hội Đèn Quảng Chiếu. Vì thế, nếu lễ hội Đèn Quảng Chiếu được phục dựng và duy trì tổ chức hằng năm thì đó là một trong những cách thổi hồn cho di sản".
Phục dựng thế nào?
Theo dự thảo kịch bản, lễ hội Đèn Quảng Chiếu sẽ được tổ chức tại Đoan Môn của khu di tích, gồm phần lễ và phần hội, diễn ra trong một ngày một đêm. Trong không gian ấy, lễ hội sẽ có các hoạt động như: Thỉnh ba hồi chuông trống theo truyền thống của Phật giáo, rước nước; dâng hương và thắp Đèn Quảng Chiếu; thỉnh Phật; cúng triệu thỉnh Bát bộ Kim cương; dâng lục cúng; khai ấn cát tường; diễn vở kịch "Lý Thái Tổ dời đô". Người dự hội sẽ tụng kinh Dược Sư và thắp nến xung quanh cây đèn chủ cầu mong trí tuệ.
Đồng tình với kế hoạch phục dựng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu, các nhà khoa học kiến nghị tổ chức lễ hội với quy mô cấp quốc gia cho tương xứng với giá trị bởi nó vốn là lễ hội cung đình. Trên tinh thần đó, việc phục dựng lễ hội thế nào, tổ chức lễ hội ra sao nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
GS-TS Trần Đức Cường, Viện Sử học Việt Nam cho rằng: Lễ hội Đèn Quảng Chiếu là hội đèn thì phải có đèn, trung tâm là đèn chứ không phải nến. Đèn có thể mô phỏng theo các đèn trước đây, có thể sáng tạo mới nhằm kích thích sự sáng tạo của các nghệ nhân, thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề thủ công truyền thống, miễn sao phải phù hợp với lịch sử. Thời gian tổ chức lễ hội nên vào mùa xuân, vào ban đêm để đèn có thể chiếu rộng, chiếu xa, chiếu sâu. Cùng quan điểm này, PGS-TS Phan Khanh hình dung cây đèn trung tâm của lễ hội gần giống như đèn kéo quân nhưng không phải là đèn kéo quân hình lục lăng mà là đèn kéo quân 7 tầng hình tròn. Cây đèn này có máy móc đơn giản bên trong, có thể điều khiển được cảnh chú tiểu đánh chuông, nghe lệnh thì đứng nghiêm, thấy nhà vua thì lễ phép chào… như văn bia chùa Đọi mô tả về cây đèn. Cũng theo PGS-TS Phan Khanh, mặc dù Đèn Quảng Chiếu là lễ hội cung đình, nhưng vẫn nên có thêm những cảnh hoạt động đời thường về dân chúng của triều đình, về chúng sinh của đức Phật. Đó là người nông dân trồng lúa, trồng khoai, người thợ làm chum, làm vại, tạc tượng, người buôn bán, gánh gồng, thầy đồ dạy học; là những người tụng kinh, niệm Phật… Ngược lại với quan điểm trên, TS Phạm Văn Thắm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói: "Lễ hội được tổ chức trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới nên không thể bắt chước hay phỏng theo mà thời nhà Lý làm thế nào, chúng ta phải làm như thế".
Qua những ý kiến trên có thể thấy, việc phục dựng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu với quy mô cấp quốc gia trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào mùa xuân hằng năm là cần thiết, song việc phục dựng như thế nào cho hài hòa giữa truyền thống và hiện đại cần tiếp tục được bàn thảo.