Syria: Hy vọng mong manh

Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 28/12/2011

(HNM) - Tình hình Syria đã có diễn biến mới khi 50 quan sát viên là các chuyên gia về chính trị, nhân quyền, quân sự... của Liên đoàn Arab (AL) đã tới thủ đô Damascus trong 32 giờ qua để đánh giá tình hình cuộc khủng hoảng tại nước này.

Trong bối cảnh hiện nay, điều này được cả chính phủ và lực lượng đối lập ở Syria trông đợi. Trước đó, ngày 25-12, Chủ tịch tạm quyền của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập, ông Burhan Ghalioun, đã kêu gọi AL cử ngay quan sát viên tới thành phố Homs và các điểm nóng biểu tình khác. Còn Ngoại trưởng Syria Walid Muallem thì lạc quan rằng quan sát viên của AL sẽ giúp khẳng định thêm luận điểm của chính phủ đương quyền rằng, bạo lực ở Syria là "sản phẩm của những kẻ khủng bố có vũ trang".

Người dân Syria cầu nguyện cho sự thanh bình trong đêm Giáng sinh.


Thực tế, khi các quan sát viên AL vào Syria, tiếp cận những điểm nóng đã mang đến cộng đồng quốc tế hy vọng về một giải pháp hòa bình tích cực cho tình hình hiện nay tại quốc gia Trung Đông này. Ngay khi các thành viên của AL đặt chân tới Damascus, Nga đã khẳng định hoạt động này sẽ giúp bảo vệ người dân và ổn định tình hình. Trước đó, ngày 24-12, cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng W.Mualim và các quan chức AL đã cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, thành công của các quan sát viên AL có như mong đợi hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Trước hết là thiện chí và thái độ hợp tác của các bên để ổn định tình hình. Do đó tìm được câu trả lời ngay không dễ. 9 tháng chìm trong bạo lực, xung đột đã làm xói mòn niềm tin của hai phía: Chính phủ và lực lượng chống đối. Tuy nhiên, sự kiện AL và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad khai thông thế bế tắc đã giúp Damascus bước đầu tháo được "ngòi nổ" tiềm tàng. Chỉ mấy ngày trước, AL đã đạt được nhất trí sẽ đưa vấn đề Syria ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nếu chính quyền Syria không chấm dứt tình trạng bạo lực và không để quan sát viên Arab vào giám sát tình hình nước này theo kế hoạch hòa bình do AL đề xuất.

Tuy nhiên dư luận Trung Đông và vùng Vịnh đang đặt câu hỏi rằng, AL - tổ chức gồm 22 thành viên có bị lợi dụng hay không? Bởi trước đó, nhiều thông tin cho thấy, cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này đã bị quốc tế hóa. Trung tuần tháng 12 vừa qua, một nhóm tự xưng là đại diện các lực lượng đối lập, tập hợp những phần tử chống đối ở trong và ngoài Syria đã tuyên bố thành lập "Liên minh dân tộc" với mục đích không úp mở là lật đổ chế độ hiện hành của Tổng thống Bashar al-Assad. Các nhà quan sát cho rằng, phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ bên ngoài, nhóm này mới có những phát ngôn mạnh bạo đến thế.

Trong khi đó, tình trạng sử dụng trái phép vũ khí của các nhóm vũ trang được cho là có sự hậu thuẫn từ bên ngoài đã và đang khiến tình hình quốc gia này ngày càng bất ổn. Vụ đánh bom kép ngày 23-12 nhằm vào các khu nhà an ninh và tình báo tại thủ đô Damascus, làm 44 người thiệt mạng, 100 người bị thương là một ví dụ. Đây là vụ tấn công liều chết đầu tiên xảy ra tại Syria kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy chống chế độ của Tổng thống Bachar al-Assad hồi tháng 3. Vụ việc đã đẩy tình hình Syria thêm căng thẳng. Đám tang của các nạn nhân thiệt mạng đã biến thành cuộc tuần hành biểu thị sự ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Hàng nghìn người tham dự đã hô vang các khẩu hiệu phản đối Mỹ và các đồng minh Arab can thiệp vào Syria. Còn đúng vào ngày các quan sát viên đầu tiên của AL tới Damascus, tại thành phố Horms, nơi được xem là "đại bản doanh" của lực lượng chống chính phủ, bạo lực vẫn diễn ra ác liệt khi gần 4.000 binh sĩ Syria tiếp tục siết chặt vòng vây với các binh sĩ nổi dậy.

Trở lại với việc AL cử các quan sát viên, thời gian tới sẽ có câu trả lời về thành công của kế hoạch hòa bình do AL đề xướng cũng như có hay không tổ chức này bị lợi dụng. Trong một diễn biến khác, ngày 23-12, phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc đã đệ trình một dự thảo nghị quyết sửa đổi về Syria lên Hội đồng Bảo an. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin nói rằng, Mátxcơva có những giới hạn trong chấp nhận các yêu sách của các phái đoàn Châu Âu và Mỹ, vốn muốn Hội đồng Bảo an dọa áp đặt trừng phạt đối với Damascus. Tuy nhiên, Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc Peter Wittig cho rằng, văn kiện này chưa đủ mạnh để giải tỏa các mối quan ngại của phương Tây trước tình hình bạo lực đang leo thang tại quốc gia Arab này.

Xem ra, câu trả lời cho Syria hiện nay còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố và sự kiện AL cử quan sát viên tới nơi đây cũng chỉ mới làm nhen lên hy vọng mong manh.

Trung Hiếu