Khâu quyết định là tổ chức, quản lý

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 27/12/2011

(HNM) - Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, tổ chức dịch vụ, trông giữ xe luôn là vấn đề nhức nhối ở thành phố những năm qua. Đây là tác nhân không nhỏ gây cản trở, dẫn đến ùn tắc giao thông.


Lấn chiếm tràn lan

Mới đây, Ban Chỉ đạo 197 của UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe. Trong 5 tháng, đoàn kiểm tra 271 điểm trông giữ ở 10 quận nội thành, phát hiện 232 điểm vi phạm; trong đó 219 điểm không có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường; 177 điểm chiếm dụng hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ xe. Các điểm trông giữ xe, đòi hỏi có tổ chức, quy mô lớn đã vậy, việc các hộ gia đình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn đáng lo ngại hơn.


Bãi trông giữ xe trên phố Hàng Ngang.Ảnh: Như Ý

Trong buổi báo cáo công tác bảo đảm an toàn giao thông mới đây, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Thanh tra Sở đã tổ chức khảo sát 220 tuyến phố chính của 7 quận nội thành gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy và Thanh Xuân. Thống kê của lực lượng này cho thấy, chỉ riêng 220 tuyến phố nói trên đã có tới 4.530 điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, với tổng diện tích hơn 40,6 nghìn mét vuông. Hai quận trung tâm là Hoàn Kiếm, Ba Đình đứng đầu danh sách chẳng vui vẻ này.

Thực trạng như vậy, nhưng lâu nay, lực lượng chức năng và chính quyền sở tại gần như bất lực. Giám đốc Sở Nguyễn Quốc Hùng khẳng định các giải pháp đã có với nhiều văn bản quy định cụ thể, vấn đề là thực hiện. Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP nhiều lần nhấn mạnh, để xử lý dứt điểm tình trạng này cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các cấp.

Xem xét lại việc tổ chức, quản lý

Cấm triệt để việc sử dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh rõ ràng rất tốt, nhưng trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay thực hiện không dễ, nếu không muốn nói quá khó. Thành phố hiện rất thiếu bãi đỗ xe và kinh doanh, buôn bán nhỏ có vai trò quan trọng đối với nhiều hộ dân. Việc cấm triệt để rõ ràng không phải giải pháp tối ưu, duy ý chí. Đây là vấn đề cần xem xét nghiêm túc. Chủ trương điều chỉnh giờ học, làm việc được dư luận ủng hộ, đồng tình, nhưng cũng không thể làm duy ý chí. Khi các bộ, ngành, thành phố xây dựng phương án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã yêu cầu cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt nhân dân. Với việc quản lý vỉa hè, lòng đường, vốn "đụng chạm" nhiều hơn đến đời sống của không ít hộ dân càng phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi một gánh hàng ăn sáng có thể bảo đảm sinh hoạt tối thiểu cho một gia đình. Nhìn lại diễn biến thời gian qua, năm 2008, thành phố đã ra quân rầm rộ thực hiện Quyết định 02/QĐ-UBND và Quyết định 20/QĐ-UBND về vấn đề này, nhưng sau một thời gian, tình hình đâu lại vào đó. Dù chưa có đánh giá, kết luận vì sao một đợt ra quân rầm rộ lại thất bại, nhưng có thể thấy, dường như vẫn chưa nhận được sự ủng hộ tích cực của các hộ dân. Ngay một thành phố hiện đại, tất bật hàng đầu thế giới như Luân Đôn (Anh), vẫn cho phép ô tô đỗ hai hàng tại nhiều tuyến phố nhánh, không ảnh hưởng đến giao thông. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc để có giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp, hiệu quả tại mỗi khu vực.

Mới đây, UBND thành phố đã họp và xác định 6 tiêu chí sắp xếp lại các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe cho hợp lý nhằm hạn chế ùn tắc, bảo đảm mỹ quan đô thị. Theo đó, không cấp phép tại các trục giao thông chính, đường vành đai, ngã ba, ngã tư; không cấp phép tại phố có mặt đường nhỏ hơn 6,5m. Với những phố ngang, có lưu lượng giao thông nhỏ, nghiên cứu cấp phép phù hợp với điều kiện thực tế. UBND quận Hoàn Kiếm, nơi có hoạt động kinh doanh nhỏ sôi động kiến nghị với phố rộng hơn 6,5m, vỉa hè từ 3,5m trở lên thì có thể cấp phép. Trên thực tế, trong Quyết định 20/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố đã quy định về vấn đề này, nhưng công tác tổ chức, quản lý thực hiện việc sử dụng vỉa hè, lòng đường còn hạn chế. Điều đó dẫn tới sự lộn xộn, bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông. Chẳng nói đâu xa, hàng loạt điểm trông giữ xe trên một số phố có hè rất rộng như phố Phủ Doãn, đầu đường Nguyễn Đình Chiểu, Trần Bình Trọng… nhưng người đi bộ không thể tìm được lối đi trên hè mà phải xuống lòng đường. Nguyên do là các bãi đỗ xe quá tham, "lấy" hết cả lối đi tối thiểu cho người đi bộ. Đó là minh chứng cho thấy công tác quản lý của lực lượng chức năng, chính quyền các cấp còn yếu, thậm chí buông lỏng.

Trong cuộc họp mới đây về bảo đảm an toàn giao thông, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng thẳng thắn cho biết, đừng trách ý thức người dân mà phải xem lại ý thức cán bộ, đảng viên trước. Theo ông Thăng, nếu cán bộ, đảng viên vẫn đỗ xe tùy tiện, ngồi ăn vỉa hè thì có nên coi là "tiếp tay" cho vi phạm và phải xử lý? Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn khôi đồng tình với ý kiến này và khẳng định, vấn đề quan trọng vẫn ở yếu tố con người. Cách đây vài năm, nhiều dự án điểm đỗ xe ngầm, trên cao được đề xuất, thậm chí có dự án đã khởi công, nhưng đến nay, chưa dự án nào đi vào hoạt động. Thậm chí, có dự án bãi đỗ xe cao tầng đã được chuyển đổi mục đích. Rõ ràng, đây là điều rất đáng để các cơ quan hữu trách suy nghĩ. Để người dân có ý thức, trước hết các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có ý thức, thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm của mình. Làm được điều đó, người dân sẽ nể phục và tuân thủ tốt các quy định, trước hết vì chính cuộc sống của họ.

Nguyễn Đức