Nâng cao hiệu quả phản biện xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 27/12/2011

(HNM) - Hiện nay ở nước ta vẫn thiếu một hành lang pháp lý đồng bộ bảo đảm thực hiện các hoạt động phản biện xã hội một cách rộng rãi, chất lượng, hiệu quả.

Vì vậy, đợt sửa đổi Hiến pháp tới cần tái khẳng định quyền được phản biện, quyền tự do ngôn luận của người dân. Trên đây là ý kiến của các nhà khoa học, những nhà nghiên cứu xã hội đưa ra tại hội thảo về nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện xã hội chính sách và pháp luật của Nhà nước, do Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức tuần qua…


Dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên, một trong những công trình phản biện hiệu quả của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.  Ảnh: TTXVN

Phản biện, thước đo của trí tuệ xã hội

Dẫn chứng cho hiệu quả của phản biện xã hội, tại hội nghị, PGS.TS Phạm Bích San, Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp) đã kể lại 3 câu chuyện, 3 đề tài vẫn còn nguyên tính thời sự. Thứ nhất, đó là dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai vào năm 2008. Sau khi Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát đi những cảnh báo liên quan đến dự án này tới Liên hiệp, đơn vị này đã tiến hành nhiều hoạt động để cung cấp thông tin và đối thoại với Chính phủ, phản biện cho TKV tại cuộc họp của TƯ. Kết quả, dự án khai thác bô xít đã được chỉ đạo triển khai thí điểm ở Tân Rai và Nhân Cơ tại khu vực Tây Nguyên. Thứ hai là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một siêu dự án với số vốn dự kiến 56 tỷ USD. Liên hiệp đã tổ chức tham vấn ý kiến các nhà khoa học, cung cấp thông tin cho báo chí. Với những phản biện khoa học, chỉ rõ tính không khả thi của dự án, nên khi đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội, siêu dự án này đã bị bác với 37,53% số đại biểu tán thành và 41,15% không nhất trí. Thứ ba là chuyện quy hoạch đô thị Hà Nội với trục Hồ Tây - Ba Vì, sau nhiều ý kiến phản biện, các cơ quan chức năng đã có nhiều điều chỉnh hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Từ 3 dẫn chứng trên cho thấy phản biện xã hội nếu được thực hiện đúng đắn, sẽ đem lại kết quả tích cực trực tiếp. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để có được những phương án, dự án hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ được ứng dụng rộng rãi khi đưa vào thực hiện. Hơn nữa, qua phản biện xã hội đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Bích San, 3 dẫn chứng trên đây chỉ là ví dụ ít ỏi về hiệu quả của công tác phản biện xã hội, bởi nhu cầu phản biện hiện rất lớn song chúng ta chưa có cơ chế tiếp thu, tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, nên đôi khi phản biện như "đấm vào chỗ không người"!

Cần một hành lang pháp lý

Ðiều 53 Hiến pháp năm 1992 có quy định "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân". Song theo Th.S Lê Thiều Hoa (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp), dù phản biện xã hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng hiện nay chúng ta vẫn thiếu một hành lang pháp lý đồng bộ, bảo đảm thực hiện các hoạt động phản biện xã hội một cách rộng rãi, chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần ban hành một văn bản có giá trị pháp lý cao, nhằm hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động phản biện xã hội.

Đồng tình với nhận định trên, TS Bùi Xuân Đức (UBTƯ MTTQ Việt Nam) nêu lên một thực tế không vui vì với chức năng là cơ quan đại diện của nhân dân, song nhiều khi MTTQ cứ tham gia đóng góp ý kiến, còn ý kiến đó có được tiếp thu, ghi nhận hay không lại là việc của "người ta". Do vậy, để nâng cao vai trò phản biện xã hội, hệ thống pháp luật cần quy định rõ chế tài đối với chủ thể phản biện, đối tượng phản biện và trình tự phản biện.

Tiếp cận vấn đề dưới một góc độ khác, những con số mà đại diện Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đưa ra tại hội nghị cũng khiến không ít người giật mình. Theo số liệu điều tra từ các doanh nghiệp, có đến 4/5 số doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa bao giờ họ được tham gia phản biện đối với cơ quan nhà nước ở cả TƯ và địa phương; gần 80% cho rằng muốn tiếp cận các thông tin của cơ quan nhà nước phải bằng "quan hệ"; 50% cho rằng muốn có thông tin phải mất chi phí. Điều này cho thấy minh bạch thông tin là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả của phản biện xã hội.

Có ai đó đã ví, phản biện khoa học và phản biện xã hội không phải là bài toán cộng đơn giản mà là sự đúc kết tinh hoa, kinh nghiệm thực tiễn của cả cộng đồng, vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính khoa học. Để phản biện xã hội đi vào cuộc sống và thực sự phát huy hiệu quả, chúng ta cần có những quy định pháp luật rõ ràng, thể hiện từ Hiến pháp đến các văn bản luật, dưới luật. Trong đó cần thể chế hóa các điều kiện liên quan đến phản biện xã hội, quản lý các tổ chức xã hội, đặc biệt là cụ thể hóa cơ chế vận hành xã hội: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Đà Đông