Tìm hướng đổi mới thiết thực, hiệu quả

Chính trị - Ngày đăng : 07:06, 27/12/2011

(HNM) - Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục quá trình cải tổ hệ thống hành chính.


Theo đó, chương trình CCHC 10 năm tới có những điểm thay đổi khá thuyết phục so với chương trình tổng thể cũ, đã phân định rõ trách nhiệm cùng những đề án với lộ trình rõ ràng để tăng cường cơ chế giám sát, đánh giá.


Trong giai đoạn mới, cải cách TTHC tiếp tục được chú trọng vào việc đơn giản thủ tục và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một liên thông”. Ảnh: Linh Tâm

Đổi mới, phân định rõ trách nhiệm

Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 gồm 6 nhiệm vụ chính: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC); cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong đó, cơ bản các nhiệm vụ vẫn giữ nguyên do vẫn chưa đạt được trong chương trình CCHC 10 năm qua. Điểm mới là trong Nghị quyết 30c đã bóc tách lĩnh vực cải cách TTHC ra khỏi cải cách thể chế và đưa ra làm nhiệm vụ riêng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: "Việc bóc tách nhiệm vụ cải cách TTHC là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bởi TTHC có vai trò quan trọng, được thực hiện hằng ngày trong đời sống xã hội cũng như tác động lớn đến thu hút đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp". Trong giai đoạn mới, cải cách TTHC tiếp tục được chú trọng vào việc đơn giản thủ tục và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Tuy nhiên, cách thức thực hiện sẽ có nhiều điểm mới, đặc biệt sẽ tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện CCHC từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ sẽ giúp Chính phủ tiếp tục thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg về thực cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định: "Thời gian tới, tất cả các TTHC đều được thực hiện qua bộ phận "một cửa" để tạo điều kiện cho tổ chức, công dân khi giao dịch hành chính, cũng như hạn chế những tiêu cực khi làm thủ tục. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ (VPCP), cụ thể là Cục Kiểm soát TTHC vẫn tiếp tục công việc giảm bớt các TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp". Chương trình tổng thể CCHC lần này đã phân định rõ hơn nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương như: VPCP sẽ chủ trì nội dung cải cách TTHC, chủ trì xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp tính chi phí thực hiện TTHC, chủ trì việc hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc cải cách quy định hành chính; Bộ Tư pháp theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế; Bộ LĐ-TB&XH chủ trì cải cách chính sách tiền lương; Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế và giáo dục... Ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) cho rằng: "Chương trình tổng thể CCHC 10 năm tới đã có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và các mục tiêu đưa ra đã bằng định lượng chứ không định tính như trước đây".

Đã có công cụ đánh giá

Theo phân công nhiệm vụ trong Nghị quyết 30c, Bộ Nội vụ phải xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn thành bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC (PAR Index) và công bố thực hiện thí điểm tại 3 bộ (Công thương, TN-MT, NN-PTNT) và 6 tỉnh, TP trực thuộc TƯ (Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hải Phòng, TP Cần Thơ). Thông qua thí điểm, phát hiện những vấn đề chưa phù hợp để tiếp tục hoàn thiện, mở rộng phạm vi thí điểm, tiến tới áp dụng triển khai PAR Index trên toàn quốc. PAR Index theo khung cấp bộ vừa được Bộ Nội vụ công bố gồm 7 lĩnh vực: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách TTHC (gồm: rà soát, đánh giá, cập nhật TTHC; công khai TTHC và chất lượng TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; đổi mới cơ chế quản lý đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính; thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực. Khung cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực, ngoài 6 lĩnh vực giống khung cấp bộ, thêm 2 lĩnh vực là: xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Thang điểm được chấm cho từng lĩnh vực với các tiêu chí cụ thể trong tổng số điểm là 100. Về yêu cầu đặt ra đối với việc đánh giá, ông Đinh Duy Hòa cho biết: "Việc áp dụng PAR Index phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch và công bằng; các phương pháp tính toán, đo lường phải chính xác và khoa học. Bên cạnh đó, các số liệu thống kê phải rõ ràng, nguồn thông tin thu thập có độ tin cậy cao".

Hiện Bộ Nội vụ đang tổ chức tập huấn cho các đơn vị để đến tháng 1-2012 bắt đầu áp dụng thí điểm. Hy vọng rằng, PAR Index chính thức đưa vào trong giải pháp thực hiện chương trình tổng thể CCHC 2011-2020 sẽ thực sự là một công cụ giúp các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong việc đánh giá các kết quả CCHC, tạo phong trào thi đua sôi nổi giữa các ngành, địa phương. Với quyết tâm cao của Chính phủ cũng như những đổi mới trong tổ chức triển khai thực hiện, đánh giá là yếu tố quan trọng để chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 thành công.

Lê Tuyết - Hiền Chi