Đặng Hào và nhiếp ảnh trừu tượng
Giải trí - Ngày đăng : 07:49, 26/12/2011
- Trong chương trình “Ngẫu hứng 3D” diễn ra tại Hà Nội hôm 16-12, mọi người đều thấy 4 nghệ sĩ trình diễn các loại hình nghệ thuật khác nhau. Vậy anh liên kết 4 màn trình diễn ấy như thế nào?
- Đầu mối là nghệ sĩ Michelle Stewart đã thể hiện hình ảnh một con tằm chui ra khỏi kén, giống như việc con người muốn thoát khỏi một điều gì đó, dựa trên những điệu nhạc. Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy chơi nhạc và nghệ sĩ nhạc điện tử Jacob Riis thu những âm thanh đàn tranh đó, rồi mix, tạo ra những âm thanh, giai điệu mới. Tôi chụp lại buổi trình diễn theo cách nghĩ và cảm nhận của riêng mình. Các nghệ sĩ đều trình diễn hoàn toàn ngẫu hứng chứ không sắp đặt, tập dượt trước, ví dụ những động tác múa của Stewart được khơi nguồn từ âm nhạc, còn tôi tạo ra tác phẩm của mình từ những động tác múa và ánh sáng…
- Hôm trình diễn chỉ có 5 cây nến đang cháy, hẳn anh phải dùng nhiều kỹ thuật và phương pháp “độc” để tạo ra những bức ảnh đẹp, gợi hình đến như vậy?
- Tôi không dùng phương tiện kỹ thuật gì đặc biệt cả mà có một cái máy ảnh hạng xoàng để chụp, sau đó đưa lên máy chiếu thôi. Phương pháp của tôi cũng không có gì cao siêu hết. Khi chụp, tay cầm máy của tôi chuyển động theo nhiều cách khác nhau. Tất nhiên, không phải tôi cứ muốn chụp cây nến ra bông hoa là thành công ngay. Trước đó tôi đã phải tập luyện rất nhiều và phân tích kỹ. Việc lấy nét, chỉnh khẩu độ, tốc độ thì chỉ cần học nhiều là thành thạo, nhưng để biến ánh sáng thành nhiều hình ảnh khác nhau thì phải tư duy và tưởng tượng.
- Cụ thể, trong “Ngẫu hứng 3D”, anh có những ý tưởng gì cho những bức hình của mình?
- Tôi không chụp lại quá trình trình diễn của Stewart, mà tôi diễn đạt lại những điều tôi cảm nhận được. Ban đầu là một cái kén ánh sáng, sau đó nó giống như những mầm cây, dần thành những cái cây, những bông hoa đang nở và cuối cùng lại trở về cái kén. Nghệ sĩ không trình diễn như vậy, nhưng đó là tư duy của tôi, tôi nghĩ con người ta thoát khỏi cái kén này thì sẽ chui vào một cái kén khác mà thôi.
- Tại sao anh lại theo đuổi loại hình quá mới mẻ này?
- Trong nhiếp ảnh truyền thống, thường người chụp và máy ảnh đứng yên, còn sự vật vận động. Tôi nghĩ trong sự tương quan giữa vật được chụp và người chụp, nếu vật được chụp tưởng chừng đứng yên, mà người chụp vận động thì sao? Biết đâu, người chụp lại chi phối sự vận động của đối tượng chụp (và cả những biến thể của sự vận động đó). Vì thế tôi bắt đầu chụp ảnh trừu tượng, ý niệm, hay gọi là nghệ thuật thị giác, hoặc gì cũng được.
- Anh là người đầu tiên ở Việt Nam theo đuổi thể loại ảnh này. Hai năm sau triển lãm “Sự gợi ý từ ánh sáng”, vẫn chưa có ai chung đường cùng anh. Anh đang định hình một loại hình nghệ thuật mới, hay chí ít cũng là phong cách riêng của mình?
- Tôi chưa nghĩ tới điều đó. Những triển lãm hay dự án tôi làm chưa phải là đích. Tất cả chỉ là đang trên con đường tìm tòi, học hỏi, sáng tạo mà thôi. Bên cạnh chụp ảnh, tôi còn viết báo nữa.
- Vậy việc theo đuổi nhiếp ảnh trừu tượng, mang lại cho anh điều gì?
- Về mặt kinh tế thì chẳng có gì. Nhưng cái lợi lớn nhất là tư duy. Nó cho tôi cách tư duy khác lạ, mới mẻ. Và đây cũng là công việc tôi thích nữa. Có thích thì mới làm và mới có ý tưởng để làm.
- Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công!