Cảnh báo cúm gia cầm
Xã hội - Ngày đăng : 07:29, 26/12/2011
Sự hiện diện đã được xác nhận của loại virus từng gây náo loạn toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Châu Á đã khiến chính quyền Hong Kong quyết định nâng cấp cảnh báo cúm gia cầm từ mức "cảnh báo" lên "nghiêm trọng". Ngay lập tức, chợ Cheung Sha Wan bị tuyên bố là vùng nhiễm virus và đóng cửa trong vòng 21 ngày trong khi việc tiêu hủy toàn bộ 17.000 con gia cầm ở khu vực được thực hiện chỉ trong một ngày. Hàng loạt biện pháp khẩn cấp phản ánh quyết tâm của nhà chức trách Hong Kong nhằm khống chế, ngăn chặn sự lây lan của virus H5N1 và bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi trên thực tế, sự chủ quan, lơ là của cơ quan chức năng một số nước trong những đợt dịch trước kia đã phải trả giá bằng sinh mạng và tiền bạc của cả người dân và các chính phủ.
Nhà chức trách Hong Kong tiêu hủy gia cầm để ngăn chặn dịch lây lan. |
Cho dù chưa có dấu hiệu cho thấy sự mở rộng và lây lan trên quy mô lớn của virus H5N1, song chính quyền Hong Kong đã kêu gọi sự hợp tác của người dân để ứng phó với nguy cơ mới. Những khuyến cáo về giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường nghiêm ngặt, cách xa chim chết, không tiếp xúc với chim hoang dã, gia cầm đã liên tục được đưa ra. Cơ quan y tế cũng đồng thời yêu cầu dân chúng nâng cao cảnh giác và đến các cơ sở y tế nếu bị sốt và gặp phải các triệu chứng cúm.
Tuy nhiên, giới chức Hong Kong vẫn đang lo lắng vì chưa tìm được nguồn gốc con gà bị chết do nhiễm virus H5N1 khi kết quả kiểm tra tất cả 30 trại gà tại Hong Kong không phát hiện thấy bất kỳ trường hợp bất thường nào. Mối nghi ngờ chuyển sang gia cầm nhập khẩu, khiến chính quyền đặc khu hành chính này đình chỉ mọi hoạt động nhập khẩu thịt gia cầm tươi sống trong thời gian xác định được nguyên nhân gây bệnh. Động thái này một lần nữa thể hiện nỗ lực dập dịch của Hong Kong vì việc không nhập khẩu thịt đồng nghĩa với khả năng nguồn cung thịt gia cầm sẽ bị thiếu hụt lớn trong suốt dịp lễ Giáng sinh và năm mới 2012. Thế nhưng, quyết định này là cần thiết vì Hong Kong là nơi bùng phát đại dịch cúm H5N1 ở người đầu tiên trên thế giới hồi năm 1997, làm 6 người tử vong và hàng triệu gia cầm bị tiêu hủy.
Không còn bùng phát trên diện rộng nhờ những nỗ lực của cơ quan y tế các nước cũng như sự phối hợp khá chặt chẽ của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên sự xuất hiện của virus gây chết người tại Hong Kong lần đầu tiên từ năm 2008 khẳng định rằng H5N1 vẫn là mối đe dọa đối với con người cũng như tiềm ẩn nguy cơ đối với nền kinh tế. Số liệu từ Nam Phi là một bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm khi đợt dịch bùng phát tại nước này năm 2011 đã lấy đi của đất nước này hàng trăm triệu USD do phải tạm ngừng xuất khẩu gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm thịt đà điểu vốn là mũi nhọn trong lĩnh vực chăn nuôi của quốc gia Châu Phi. Điều đó cũng có nghĩa là, cảnh báo từ Nam Phi và mới đây nhất là Hong Kong đã phát đi những tín hiệu báo động đối với toàn thế giới khi cúm gia cầm vẫn luôn là nỗi lo thường trực mỗi khi đông về.