Quyết liệt chống hạn vụ xuân

Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 26/12/2011

Hà Nội lắp đặt 90 trạm bơm dã chiến; nạo vét 2,7 triệu mét khối bùn đất tại các kênh mương (HNM) - Đã chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân đầy gian nan, thử thách. Hạn hán đang là nỗi lo thường trực, đe dọa thiếu nước cả lúc đổ ải và tưới dưỡng cho lúa xuân.


Thời điểm này, nhiều địa phương đang khẩn trương nạo vét kênh mương nội đồng, làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy chuẩn bị đón nước. Các công ty thủy lợi huy động tối đa lực lượng, phương tiện, lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến, tu sửa máy móc, nạo vét bể hút sẵn sàng bước vào mùa chống hạn 2012.


Trạm bơm Thụy Phương (Từ Liêm) sẵn sàng bơm nước vào đồng.    Ảnh: Ngọc Hà

Hiệu quả của các trạm bơm dã chiến

Trạm bơm Ấp Bắc (Đông Anh) vẫn được coi là "quả đấm thép" chống hạn cho vùng phía Bắc Hà Nội. Thế nhưng, mấy năm gần đây do mực nước sông Hồng xuống thấp nên giờ bơm của 6 máy (tổng công suất 8.000m3/giờ) chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu nước tưới vụ xuân. Trước tình hình này, Công ty Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội đã tiến hành lắp đặt trạm bơm dã chiến Ấp Bắc với 20 máy bơm (công suất 1.100m3/ giờ/máy). Mặc dù cách trạm bơm cố định không xa, nhưng với vị trí lấy nước tốt hơn, 20 máy bơm dã chiến đã đảm nhiệm 80% việc tưới cho 8.000ha của huyện Đông Anh, đồng thời tạo nguồn ổn định cho một số trạm bơm ở huyện Mê Linh, Sóc Sơn (khoảng 2.000ha). Ông Thịnh Văn, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Đông Anh cho biết, từ cuối tháng 11 đến nay, hơn 200 cán bộ, công nhân Xí nghiệp đã khẩn trương nạo vét hàng chục kilômét kênh mương, cửa khẩu, cửa xả; tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng 25 trạm bơm với 146 tổ máy để sẵn sàng chống hạn vụ xuân. Đặc biệt, Trạm bơm dã chiến Ấp Bắc đã phục vụ tưới 2.000ha cây vụ đông của huyện Đông Anh từ giữa tháng 12 đến nay. Tại Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh) không khí nạo vét, lắp đặt máy, đường ống dẫn nước cũng diễn ra khẩn trương. Tại cửa khẩu dẫn nước vào trạm, 2 máy xúc hoạt động hết công suất, tiến hành nạo vét bùn đất bồi lắng do mùa lũ để lại. Ông Phan Hoàng Anh, Trạm trưởng Trạm bơm Thanh Điềm cho biết, đây là năm thứ 3, việc tưới ở khu vực Mê Linh gần như trông chờ toàn bộ vào trạm bơm dã chiến. Trạm bơm cố định Thanh Điềm chỉ vận hành được trong những ngày hồ thủy điện xả nước, ngay khi kết thúc là rơi vào tình trạng "treo chõ". "Năm nay, chúng tôi xác định tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp nên 16 máy bơm công suất 1.100m3/giờ vẫn là phương án tối ưu để chống hạn" - ông Anh nói. Đến những ngày cuối tháng 12, Công ty Thủy lợi Mê Linh cũng đã hoàn tất công tác sửa chữa, bảo dưỡng 19 trạm bơm với 76 tổ máy bơm cố định trên địa bàn.

Ở phía Tây Thủ đô, các Trạm bơm dã chiến Bá Giang (Đan Phượng), Phù Sa (Sơn Tây) cũng đã sẵn sàng. Trạm bơm dã chiến quy mô lớn nhất hiện nay là Bá Giang (25 máy bơm, công suất 1.100m3/ giờ/máy) trong mùa khô năm nay đã được đầu tư nâng cao cốt bể xả để bảo đảm phục tưới tốt hơn. Ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Đáy cho biết, Trạm Bá Giang là "cứu cánh" cho huyện Đan Phượng, Hoài Đức, một phần Từ Liêm và tạo nguồn cho Xí nghiệp Thủy lợi La Khê, huyện Chương Mỹ. "Kể cả khi cốt nước ở dưới Hà Nội xuống đến 0, thì máy bơm ở Bá Giang vẫn hoạt động tốt"- ông Hưng khẳng định. Cùng chung nhận định này, lãnh đạo các đơn vị thủy lợi đều đánh giá trạm bơm dã chiến đang là lời giải cho bài toán chống hạn vào mùa khô.

Quyết liệt và chủ động

Vụ đông xuân năm nay tiếp tục được dự báo sẽ gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Theo thông tin từ cơ quan KTTV trung ương, dòng chảy toàn mùa hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm từ 15 đến 20%. Tâm điểm kiệt nước vào tháng 3, tháng 4 năm 2012 có thể thiếu hụt tới 20 đến 30%. Mực nước thấp nhất tại Hà Nội có khả năng ở mức +0,2m, xuất hiện vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm 2012. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã, một khó khăn khác là hệ thống kênh mương trên địa bàn thành phố nhiều nơi xuống cấp, bị bồi lắng, sạt, sụt, rau, bèo cản trở dòng chảy... đã giảm hiệu quả khi dẫn nước. Đặc biệt, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi vẫn nan giải trong khi công tác giải tỏa còn khó khăn.

Trước tình hình nan giải này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thủy lợi và địa phương hoàn thành công tác sửa chữa, kiểm tu máy bơm, nạo vét kênh mương, cửa khẩu với khoảng 2,7 triệu mét khối bùn đất. Đồng thời, toàn thành phố lắp đặt 90 trạm bơm dã chiến với 264 máy bơm (tổng lưu lượng khoảng hơn 300.000m3/giờ) ở những vị trí có nguồn nước ổn định. Theo kế hoạch, những ngày cuối tháng 12, các đơn vị thủy lợi bắt đầu tiến hành bơm tiếp nước từ sông Đà vào sông Tích bằng các Trạm bơm Trung Hà, Sơn Đà; bơm tiếp nước vào sông Đáy, sông Nhuệ bằng các Trạm bơm Đan Hoài, Bá Giang; các trạm bơm còn lại bơm trữ nước vào các tuyến kênh tiêu, ao, hồ, đầm, ruộng trũng và các khu vực không trồng cây vụ đông. Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương lấy nước đổ ải cho khu vực khó khăn, xa nguồn nước trước, giãn thời gian đổ ải đại trà, tránh tập trung cùng một thời điểm để giảm áp lực về nguồn nước. Thực hiện quyết liệt và chủ động công tác điều hành, phân phối nước, tranh thủ bơm vào giờ thấp điểm, tận dụng tối đa nguồn nước khi có. Triển khai tốt lịch đưa nước phù hợp với lịch gieo cấy, không để lãng phí nước, lãng phí điện, phấn đấu đủ nước cho gần 188.000ha lúa, màu vụ đông xuân.

Chí Kiên