Nguy cơ khủng hoảng kép tại Bồ Đào Nha
Thế giới - Ngày đăng : 07:29, 04/04/2023
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính quốc tế, ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô và địa chính trị toàn cầu đang tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản. Bồ Đào Nha cũng không phải ngoại lệ. Số liệu của cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong vòng 12 năm qua, giá nhà ở Bồ Đào Nha đã tăng 80%, vượt qua mức trung bình của Liên minh châu Âu. Từ năm 2021 đến năm 2022, giá bán nhà ở nước này tăng 18,7%, mức cao nhất trong 30 năm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đó là do lạm phát tăng cao buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động khiến lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên tới mức người dân không thể dựa vào kênh tài chính này để hỗ trợ mua nhà. Dữ liệu của Chính phủ cho thấy, mức lương tối thiểu năm 2023 là 760 euro/tháng (tương đương 801,27 USD). Tuy nhiên, năm 2022, khoảng 65% người lao động dưới 30 tuổi chỉ kiếm được ít hơn 1.000 euro/tháng, nhưng giá thuê trung bình cho căn hộ một phòng ngủ ở thủ đô Lisbon vào khoảng 1.350 euro, giá nhà khoảng 5.116 euro/m2. Một số người thậm chí không thể chi trả các khoản khác sau khi trả tiền thuê nhà và buộc phải rời bỏ thành phố để có cuộc sống ổn định hơn. Năm 2022, tính riêng ở thủ đô Lisbon, số lượng người trẻ rời khu vực thành thị tăng 13% so với trước đại dịch Covid-19. Đây là con số đáng lưu ý khi trước đại dịch Covid-19, thủ đô Lisbon luôn thu hút người từ các địa phương khác đến lập nghiệp, sinh sống.
Thứ hai là, những năm gần đây, để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ 2011-2014, Chính phủ Bồ Đào Nha đã thúc đẩy một số ưu đãi, trong đó có chương trình “Thị thực vàng” dành cho giới giàu có, doanh nhân nước ngoài tới đầu tư và có nhu cầu sở hữu bất động sản tại nước này. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách là làm thị trường bất động sản trở nên cạnh tranh khốc liệt. Sự gia tăng nhanh chóng của người định cư nước ngoài dẫn đến nguồn cung cấp nhà ở ngày càng ít đi, do đó giá tăng cao. Theo thống kê, vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Bồ Đào Nha hiện chiếm 25%; người mua chủ yếu từ Bắc Mỹ, Đức, Anh và Pháp.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà, ngày 2-4, Chính phủ Bồ Đào Nha đã xác nhận dừng chương trình “Thị thực vàng” sau 10 năm triển khai. Theo đó, tất cả các đơn xin thị thực vàng nộp sau ngày 16-2 sẽ không được xem xét. Chính phủ cũng ban hành một chính sách về nhà ở và coi đây như “chiếc phanh” để giảm tốc độ tăng giá bất động sản.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng, sau 1 thập kỷ đất nước thiếu chính sách công thực sự về nơi cư trú cho người dân, chính sách nhà ở mới sẽ dần giải quyết được cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Thời gian qua, Chính phủ Bồ Đào Nha đã ký kết văn bản với các địa phương. Khoảng 1.200 ngôi nhà đã được xây, 7.000 ngôi nhà khác đang được triển khai. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chính sách trợ cấp cho các hộ gia đình có thu nhập dưới 38.000 euro/năm. Tín dụng dành cho mua nhà cũng được áp ở tỷ lệ lãi suất cố định. Chính phủ cũng sẽ đưa ra chính sách buộc chủ sở hữu phải cho thuê bất động sản không sử dụng theo sự điều tiết của nhà nước.
Là một quốc gia được liệt kê trong danh sách nhóm các nước có nền kinh tế yếu PIGS của Liên minh châu Âu (EU), cuộc khủng hoảng về nhà ở tại Bồ Đào Nha đang khiến dư luận lo ngại về khả năng gây ảnh hưởng rộng tới khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng, những gì đang diễn ra sẽ đẩy nước này phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về xã hội tạo nên nguy cơ khủng hoảng kép.