Nhiều gương mặt mới
Văn hóa - Ngày đăng : 08:19, 25/12/2011
Chuyện mới của giải thưởng
Giải thưởng Sách Việt Nam (GTSVN) 2011 đánh dấu năm thứ 7 của hoạt động này, tuy nhiên lại là năm đầu tiên thực hiện Đề án GTSVN giai đoạn 2 (2011-2015). Đặc biệt, đây cũng là lần đầu mở rộng phạm vi xét giải tới hai thể loại văn học và sách dịch, một lĩnh vực mà trước đây không có mặt trong giải thưởng của Hội Xuất bản vì lý do tránh trùng lặp với giải của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.
Bìa cuốn sách “Hồ Chí Minh - Người mang lại ánh sáng”. Ảnh: Long Hà
Năm nay, số lượng NXB tham gia có nhỉnh hơn với 35 đơn vị (so với 33 “nhà” năm 2010). Số lượng tác phẩm dự thi là 354 cuốn, tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều hơn những tác phẩm là ứng cử viên cho cả hai hạng mục Sách đẹp và Sách hay, thể hiện mong mỏi hoàn thiện, vươn tới chuẩn mực quốc tế của sách Việt.
Kết quả là Hội đồng chung khảo đã chọn được 3 giải vàng, 16 bạc và 19 đồng cùng 9 giải khuyến khích cho Sách hay. Bên cạnh đó, Sách đẹp có 4 vàng, 7 bạc, 10 đồng và 15 giải khuyến khích; 3 giải bìa đẹp và 1 giải đặc biệt. Trong đó, giải bìa đẹp và giải đặc biệt trong hạng mục Sách đẹp (ấn phẩm “Chiếu dời đô”-NXB Giáo dục) cũng là một biểu hiện nữa của ngành xuất bản nhằm khuyến khích tính chuẩn mực trong hoạt động này. Đáng chú ý hơn, trong số đơn vị đoạt giải đã thấy những gương mặt mới là những NXB mới thành lập, lần đầu tham dự như NXB Đại học Thái Nguyên (Giải đồng Sách hay với cuốn sách “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hóa một số dân tộc thiểu số ở Việt Bắc”, NXB Thời đại (Giải bạc Sách hay với tác phẩm “Hồ Chí Minh-Người mang lại ánh sáng”) hay NXB địa phương như Đà Nẵng với giải vàng Sách hay cho công trình “Huỳnh Thúc Kháng-Tuyển tập”…
Tuy nhiên, vượt ra ngoài và đi tới tận cùng câu chuyện giải thưởng phải là một động lực để sách Việt ngày một hoàn thiện hơn, trở thành đại sứ văn hóa của Việt Nam trên thế giới. Nhìn lại một cách nghiêm túc thì GTSVN năm nay vẫn chưa thỏa mãn được người trong nghề với số lượng các tác phẩm vượt trội còn ít. Nếu tính trên tổng số khoảng 26 nghìn tên sách ra mắt mỗi năm thì con số này còn khiêm tốn hơn nữa.
Chỉ có một niềm động viên lớn nhất mà theo những chuyên gia đầu ngành ở hạng mục Sách hay là “Những cuốn sách đề nghị giải vàng đều rất xứng đáng”. “Huỳnh Thúc Kháng-Tuyển tập” (NXB Đà Nẵng) được coi là một công trình sưu tầm, biên soạn đồ sộ với trên 1.800 trang. Qua đây, tác phẩm cung cấp cho bạn đọc những tài liệu cơ bản và có hệ thống để hiểu một cách toàn diện về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng mà sinh thời Bác Hồ đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, cuốn “Việt Nam đất nước con người” (NXB Giáo dục) lại thể hiện được một tư duy mới mẻ trong ngôn ngữ và cách thể hiện một công trình khoa học địa lý tổng hợp sao cho đầy đủ, chính xác mà phải hứng thú, hấp dẫn. Trong số các tác phẩm đoạt giải bạc Sách hay, cũng thấy nhiều tác phẩm đã từng hiện diện rõ nét trong đời sống như “Từ Kinh đô đến Thủ đô-Dặm dài đất nước theo năm tháng” (NXB Kim Đồng) ra đời dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Nghĩ tới việc bơi ra biển lớn
Có một điều rất đáng tiếc trong GTSVN 2011 là số lượng NXB lâu năm như Thanh niên, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại học Sư phạm Hà Nội, Lao động - Xã hội, Văn hóa - Thông tin, Văn hóa dân tộc… đều vắng mặt. Có thể đây cũng là một trong những lý do khiến mảng Sách hay cho dù có cả đại diện của 8 mảng dự giải, song vẫn cứ xảy ra tình trạng mất cân đối. Sách văn hóa-nghệ thuật, lý luận-chính trị và khoa học công nghệ chiếm số đông, trong khi nhiều mảng sách khác cũng rất cần cho đời sống thì lại thiếu vắng. Sách dịch lần đầu tiên được xét giải thì lại quá ít ứng cử viên. Chưa kể những hạn chế về kinh phí, thiếu vắng chuyên gia một số ngôn ngữ… khiến việc đối chiếu, thẩm định bản dịch khó khăn. Cuối cùng, với quy chế phải là sách mới xuất bản năm 2010, nên đã không có đại diện sách dịch nào đoạt giải. Một nghịch lý chăng, trong khi thị trường sách dịch chưa bao giờ sôi động như hiện nay.
Những hạn chế trên, cho dù vì lý do nào đi nữa thì sự thiệt thòi vẫn thuộc về ngành xuất bản nói chung. Bởi lẽ, chỉ khi nào các đơn vị xuất bản, cả mới và cũ cùng hiện diện một cách đông đảo, với nhiều tác phẩm phong phú ở một giải thưởng tôn vinh của ngành thì khi đó sự kiện này mới có thêm sức nặng.
GTSVN vì thế tới đây càng cần phải được duy trì, củng cố hơn. Ai vắng, ai thiếu phải thấy là thiệt thòi. Và đơn vị nào, tác phẩm nào xứng đáng được tôn vinh vẫn cứ phải được tôn vinh. Đặc biệt, cũng không lo việc chồng chéo với giải thưởng về sách khác, bởi lẽ ngành xuất bản có “con mắt” của người làm nghề để nhận định chất lượng tác phẩm. Giải thưởng Sách đẹp là một nét rất riêng, một cách để đẩy lùi sách sai lỗi chính tả, in xấu, đóng xén không chuẩn… Lâu dài hơn, cũng để hình thành thói quen hưởng thụ một sản phẩm xuất bản chuẩn mực, không tham rẻ mà “xài” sách lậu…
Tất cả những biến chuyển này có thể rất nhỏ, nhưng như mưa dầm thấm lâu, một ngày nào đó sách Việt có thể hoàn thiện, tự tin bước ra thế giới. Cùng với sự kiện Việt Nam gia nhập Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách (ISBN) năm 2007 và mới đây nhất là Tiêu chuẩn quốc gia về sách (xuất bản lần 1 năm 2011), ngành xuất bản cần có nhiều hơn nữa những hoạt động tôn vinh sách quy mô và có chiều sâu.