Phim ở Hà Nội một thời
Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 24/12/2011
Ngày 11-9-1923, người Pháp thành lập hãng "Phim và Chiếu bóng Đông Dương" (Indochine Films et Cinéma - IFEC). Chỉ sau khi ra đời hơn một tháng, IFEC đã sản xuất bộ phim đầu tiên là "Kim Vân Kiều". "Kim Vân Kiều" do dàn đào kép của ban tuồng Quảng Lạc đóng, Bẩy Tắc đóng vai Hoạn Thư, Tư Lê đóng vai ông Phủ. Sân chùa Láng là dinh Từ Hải, cổng làng Thọ làm cửa vào nhà Tú Bà, bãi tha ma làng Yên Thái là chỗ Kiều viếng mộ Đạm Tiên… Bộ phim câm có độ dài 1.500m quay xong, phim được đưa về Pháp làm hậu kỳ. Phim được chiếu tại rạp Palace (nay là rạp Công Nhân ở phố Tràng Tiền). Một số tờ báo thời đó như Hữu Thanh, Trung Văn tuy khen ngợi "phim lấy chuyện của An Nam, con hát An Nam đóng và khung cảnh tự nhiên" nhưng do "Kim Vân Kiều" không có gì khác so với vở diễn sân khấu nên cũng không thu hút được khán giả dù phim là hình thức nghệ thuật rất mới mẻ ở Hà Nội. Từ ngày 15 đến 21-10-1924, IFEC đã cho chiếu chương trình toàn phim An Nam, gồm "Hội Kiếp Bạc","Kim Vân Kiều" và "Phong cảnh tại Kinh đô Huế".
Rạp chiếu bóng “Cinema Palace”, nay là rạp Công Nhân (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), nơi đã chiếu những thước phim đầu tiên tại Hà Nội. |
Dù "Kim Vân Kiều" thất bại nhưng IFEC không bỏ cuộc, họ thực hiện bộ phim hài ngắn có tên là "Toufou" với độ dài 600m vào năm 1925. Vai chính Toufou do một diễn viên người Việt lai Trung Quốc tên Léon Chang đóng. Phim nhại theo cách diễn xuất của Vua hề Charlie Chaplin và bị báo chí lẫn khán giả chỉ trích. Không nản lòng, IFEC cố gắng làm một bộ phim dài về Việt Nam. Đó là phim "Huyền thoại Bà Đế" vào năm 1927, dài 1.000m. Phim do Paul Numier viết kịch bản dựa theo một câu chuyện dân gian nói về một cô gái bị cha mẹ, họ hàng nghi ngờ là hư hỏng nên buộc phải chết, sau đó được giải oan và dân làng lập miếu thờ gọi là Bà Đế. Vai chính là một cô gái Pháp lai Việt, còn các diễn viên phụ hầu hết là người Việt. Tuy nhiên bộ phim vẫn bị thua lỗ về doanh thu dù nó được công chiếu tại Pháp. Sau thất bại này, IFEC không nghĩ đến chuyện làm phim nữa.
Cùng với IFEC, có một người Hà Nội cũng đã bỏ tiền ra làm phim, đó là Nguyễn Lan Hương (còn gọi là Hương Ký). Hưng Ký là lính thợ tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Giải ngũ, ông ở lại Pháp học được nghề ảnh về nước mở hiệu ảnh ở 86 phố Hàng Trống. Năm 1924, chủ tiệm ảnh Hương Ký đã mời một người Pháp hiểu biết về điện ảnh dạy ông cách làm phim rồi tự thực hiện bộ phim hài "Đồng tiền kẽm tậu được ngựa". Bộ phim dài 6 phút, phỏng theo truyện "Cô gái và bình sữa" (La laitière et le pot au lait) trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Phim thứ hai của Hương Ký cũng là phim hài với tựa phim là "Cả Lố". Phim đang quay nhưng phải dừng lại vì bất đồng giữa Hương Ký và diễn viên đóng phim. Sau đó, Hương Ký còn quay phim tài liệu "Ninh Lăng" dài 2.000m về đám tang vua Khải Định. Tiếp đó là "Tấn tôn đức Bảo Đại", dài 800m, về lễ đăng quang của Bảo Đại với chi phí là 30.000 đồng (tiền Đông Dương), bộ phim chiếu tại rạp Palace được 27 ngày nhưng chỉ thu được 5.000 đồng khiến Hương Ký lỗ nặng. Tiếng tăm người An Nam làm được phim lan sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Hương Ký được Tỉnh trưởng Vân Nam đặt hàng làm hai phim tài liệu quay tại Trung Quốc. Một trong hai phim là "Đám tang tướng Đường Kế Nghiêu" làm năm 1929. Nhưng sau đó không thấy Hương Ký làm nữa mà trở về với nghề nhiếp ảnh. Có người cho rằng IFEC đã tác động đến Tỉnh trưởng Quảng Tây để dừng dự án vì họ không muốn một hãng phim Việt Nam thành công trong khi họ liên tục thất bại. Sau đó nhiều năm, người ta không thấy người Việt Nam nào bỏ tiền sản xuất phim nữa.
Năm 1937, chàng sinh viên y khoa Đàm Quang Thiện đã đứng ra thành lập nhóm gồm những người khát khao "Phim Việt Nam do tài tử Việt Nam đóng, nói tiếng Việt Nam". Tham gia nhóm có nhiều trí thức trẻ và sinh viên Cao đẳng Thương mại, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngày 20-11-1937, nhóm ký hợp đồng với Pei Song King, một Hoa kiều chủ rạp chiếu bóng ở phố Hàng Bạc làm đại diện cho Hãng Nàm Duỵt (The South China motion picture Co) để quay bộ phim "Cánh đồng ma" theo kịch bản của Nguyễn Văn Nam (tức Đàm Quang Thiện). Theo hợp đồng, bộ phim được quay ở Hồng Công và sau khi bán hay đem chiếu, trừ chi phí Đàm Quang Thiện hưởng 15%, còn lại là của Pei Song King. Bị ức hiếp, đè nén nơi đất khách quê người, nhiều người đã bỏ về nước. Phim quay xong đúng ngày 2 Tết Mậu Dần (1938) thì nhóm của Đàm Quang Thiện bị đuổi ra khỏi nhà. Trong số những người tham gia đóng phim có Nhà văn Nguyễn Tuân. Trong "Một chuyến đi" đăng trên bán nguyệt san Tiểu thuyết Thứ Bảy, Nguyễn Tuân đã kể về chuyến đi đóng phim sóng gió này: "Khi vừa trong nhà vệ sinh ra lập tức có người dâng hai tay khăn lau tay, lại phải cho tiền, vừa rút điếu thuốc lá ra đưa lên miệng định đánh diêm, lập tức có người bật diêm dí vào điếu thuốc, lại phải tiền. Không cho thì mang tiếng người An Nam keo kiệt, cho thì không có tiền ăn sáng". Song những người Hà Nội khát khao làm phim thuần Việt vẫn chưa rời bỏ giấc mộng. Đầu năm 1939, Giám đốc Hãng Pathé Nathan của Pháp là Thomasset đã gặp Nguyễn Tuân và Nguyễn Doãn Vượng, mời hai ông cùng một số người khác đóng hai bộ phim là "Người chèo thuyền trên vịnh Hạ Long" và "Đồn biên phòng". Trong thời gian chuẩn bị thì tháng 9-1939, ông này bị động viên vào Quân đội Pháp nên dự án không thực hiện được. Năm 1945, một đạo diễn người Pháp là Bévy có tham vọng thực hiện dự án điện ảnh lấy cốt truyện từ cổ tích Việt Nam để làm phim và ông ta đã mời Nguyễn Tuân, Nguyễn Doãn Vượng cùng tham gia nhưng năm đó Nhật đảo chính Pháp nên bộ phim không tiến hành được.
Cách mạng Tháng Tám thành công và Lễ Tuyên ngôn Việt Nam độc lập được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội vào ngày 2-9-1945. Công việc chụp ảnh và quay phim được nhà nhiếp ảnh trẻ là Võ Văn Lai đảm nhiệm. Nhiếp ảnh thì không phải lo vì có quá nhiều nhà nhiếp ảnh tự nguyện nhưng quay phim thì chỉ có Hương Ký và Hãng Đông Dương phim. Họ có máy và người biết quay song Đông Dương phim chỉ có trên danh nghĩa, thực tế họ đã không còn hoạt động nên Võ Văn Lai đã mời Hương Ký và ông Hương Ký đã nhận lời. Tuy nhiên, một tuần sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, ông Hương Ký thông báo không quay được vì máy quay bị hỏng. Rồi câu chuyện ấy cũng bị chìm đi vì nước Việt Nam non trẻ có quá nhiều việc phải làm. 29 năm sau, năm 1974, khi Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đang làm bộ phim tài liệu "Những ngày Bác Hồ ở Tây Âu" tại Pháp thì một hôm ông nhận được một cú điện thoại gọi đến khách sạn nơi ông ở. Người ở đầu dây nói rằng muốn gặp Phạm Kỳ Nam để trao lại một món quà chắc sẽ rất có ích cho việc làm phim của ông. Và món quà là những hộp phim 16 ly đã cũ, được đóng gói cẩn thận và người trao món quà cho biết ông chỉ là người chuyển giúp một người "bạn của Việt Nam". Khi giở xem, Đạo diễn Phạm Kỳ Nam lặng người xúc động vì đó là những thước phim ghi lại Lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Nhưng ai đã quay những thước phim này? Trong bài viết "Những điều còn bí ẩn quanh việc quay bộ phim Ngày Độc lập 2-9-1945" của ông Nguyễn Hữu Đang (ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945), ông Đang không tin những thước phim đó do Hương Ký đã quay vì sau đó ít ngày, quân Tầu Tưởng đưa bọn Vũ Hồng Khanh về nước với âm mưu cướp chính quyền thì Hương Ký đã theo Quốc dân Đảng chống lại Việt Minh. Song ông Nguyễn Hữu Đang cũng chỉ đặt vấn đề mà không dám khẳng định những thước phim ấy là do nhân viên trong Phái bộ Mỹ do Patty cầm đầu dưới danh nghĩa đại diện quân Đồng minh đã quay. Ông lý giải, với danh nghĩa đại diện quân Đồng Minh, họ được quyền đi lại thoải mái trên Quảng trường Ba Đình để quay phim, chụp ảnh mà không bị ai cản trở. Và cho đến hôm nay, ai đã quay những thước phim đó vẫn chưa có câu trả lời?
Thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội đầu năm 1947, việc sản xuất phim ngưng trệ nhưng đến đầu những năm 1950, các rạp chiếu bóng ở Hà Nội sôi động trở lại và trong tình thế phim Mỹ hoành hành nhưng các ông Trần Đình Long, Kim Chung và một số người khác vẫn bỏ tiền làm phim. Trong số các phim sản xuất thời kỳ này phải kể đến "Kiếp hoa", "Bến cũ" và đặc biệt là "Nghệ thuật và hạnh phúc" với sự tham gia của đào kép nổi tiếng là Ái Liên, Ngọc Dư, Anh Đệ...
(còn nữa)