Xác định trọng tâm sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư
Chính trị - Ngày đăng : 16:36, 23/12/2011
Tổng kết thi hành Luật Luât sư sau 5 năm có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã chỉ ra các vấn đề lớn cần đẩy mạnh, đó là phát triển đội ngũ luật sư cùng các điều kiện bảo đảm quyền hành nghề cho luật sư; hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư; quản lý Nhà nước và tính tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư đối với đội ngũ và hoạt động luật sư.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư sẽ tập trung vào vấn đề chất lượng, đạo đức, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của luật sư trước khách hàng, xã hội và Nhà nước. - Ảnh minh họa |
Qua đó, Ban soạn thảo Luật Luật sư sửa đổi thống nhất đây là những “trọng tâm” để sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư.
Các đại biểu tham gia phiên họp đều chỉ ra sự “khập khiễng” giữa luật này với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là các luật tố tụng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn phát triển đội ngũ luật sư “có tâm, có tầm” thì trước hết phải bắt đầu từ khâu đào tạo luật sư vào nghề chặt chẽ với qui trình thi tuyển phù hợp để khách quan, chính xác và đúng người hơn.
Theo đó, trong những vấn đề đào tạo luật sư, cần sửa vấn đề “cộm” nhất là việc tập sự hành nghề luật sư. Hiện người tập sự hành nghề luật sư chỉ đang được “nhìn và ngó” chứ chưa được thao tác nghề nghiệp nên khi hành nghề rất bỡ ngỡ, ảnh hưởng đến uy tín của luật sư và tổ chức hành nghề.
Các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn của các luật sư khi tham gia tố tụng khi muốn tiếp cận thông tin, tài liệu từ phía các cơ quan công quyền nhằm thu thập chứng cứ bảo vệ thân chủ. Sự thiếu đồng bộ giữa qui định của Luật Luật sư và các luật tố tụng hiện hành, lại không có văn bản hướng dẫn của các cơ quan liên quan khiến luật sư có quyền mà vẫn bó tay trước những “cánh cửa” tố tụng. Do đó, tạo sự liên thông giữa Luật Luật sư và các luật tố tụng là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia pháp lý và luật sư nêu lên tại nhiều diễn đàn liên quan đến hoạt động luật sư, coi đây là cơ sở để bảo đảm quyền hành nghề của luật sư trong thực tế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng ban soạn thảo cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung để giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách, phục vụ cho các chính sách mới của Đảng liên quan đến nghề luật sư. Việc sửa đổi, bổ sung sẽ tập trung vào vấn đề chất lượng, đạo đức, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của luật sư trước khách hàng, xã hội và Nhà nước, có thể mở rộng đối tượng được hành nghề luật sư (để giải quyết vấn đề số lượng), tạo sự liên thông với luật về tố tụng.
Đặc biệt, nhấn mạnh đến vai trò tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong quản lý luật sư vì Nhà nước chỉ làm những việc Liên đoàn không thể làm, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động luật sư, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Do vậy, trong lần sửa đổi này, cần tập trung vào tổ chức hành nghề luật sư, nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp hóa và tiệm cận dần với thị trường pháp lý quốc tế. Đồng thời, hài hòa mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước và Liên đoàn, quan tâm đến tạo sự liên thông giữa luật sư nước ngoài và luật sư trong nước, để luật sư trong nước vươn ra thị trường nước ngoài và thay thế luật sư nước ngoài tại thị trường nội địa.