Chính quyền thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành

Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 23/12/2011

(HNM) -Sau khi Báo Hànộimới đăng bài

Năm 2004, 67 hộ dân ở cụm 5, thôn Phú Thịnh đã cho ông Nguyễn Văn Sinh thuê 28.000m2 đất nông nghiệp ở cánh đồng Lải Cát để "chuyển đổi cơ cấu cây trồng". Lợi dụng việc UBND huyện cho phép tận dụng đất dư thừa khi cải tạo mặt bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm gạch, ông Sinh còn tự lấn thêm 26.000m2 đất khu vực liền kề và nhận khoán thêm của xã 13.000m2 đất công ích để làm lán trại, vỏ lò gạch. Mặc dù UBND huyện chỉ cho phép được hạ độ sâu từ 2m đến 2,5m so với mặt ruộng liền kề, nhưng khi cho người khác thuê lại, ông Sinh đã tự ý thỏa thuận để họ được hạ độ sâu đến 4m. Từ đó đến nay, trên diện tích đất nông nghiệp của 67 hộ đó đã "mọc" 6 lò gạch thủ công và 1 lò gạch tuynel và toàn bộ diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thành nơi sản xuất gạch. Thấy dự án biến tướng, người dân thôn Phú Thịnh đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng từ năm 2009, nhưng dự án "trồng gạch" vẫn không bị xử lý, dù đã có sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền huyện Phúc Thọ.

Các lò gạch tại cánh đồng Lải Cát vẫn đang tồn tại.


Qua trao đổi với cán bộ Phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ, chúng tôi được biết, ông Nguyễn Văn Sinh không có đủ các loại giấy phép để sản xuất gạch và đã khai thác đất quá độ sâu cho phép, hiện tại nhiều nơi sâu đến 4,4m. Vi phạm trong việc dự án chuyển đổi cơ cấu thành "trồng" gạch là do khâu kiểm tra, đôn đốc của một số phòng, ban huyện còn hạn chế. Để khắc phục những sai phạm này, ngày 21-9-2011, UBND huyện đã ban hành Quyết định 2960, đình chỉ sản xuất, đun đốt gạch của chủ dự án trên diện tích đất quỹ I khu vực Lải Cát; giao UBND xã có trách nhiệm đôn đốc chủ dự án san ủi, trả lại mặt bằng sản xuất nông nghiệp, thời gian hoàn thành trước ngày 31-12-2011. Để thực hiện quyết định, UBND xã đã nhiều lần tổ chức họp với chủ dự án, đại diện 67 hộ dân… song các bên không thống nhất được về cách thức thực hiện. Thậm chí, ông Sinh còn thừa nhận đã bán tài sản trên khu đất cho hai chủ sử dụng khác. Bế tắc trong giải quyết, ngày 9-11-2011, UBND xã Ngọc Tảo gửi văn bản báo cáo UBND huyện, nêu rõ sự việc đang có chiều hướng phức tạp, gây mất ổn định an ninh, trật tự địa phương, đề nghị huyện tháo gỡ khó khăn…

Tròn một tháng sau, ngày 9-12-2011, UBND huyện ra văn bản, giao một số phòng, ban xem xét, tìm giải pháp. Trong khi người dân mong chờ các cơ quan chức năng giải quyết từng ngày, thì đến ngày 14-12-2011, ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ vẫn "thong thả": "Sáng hôm nay tôi mới biết đến văn bản chỉ đạo của UBND huyện và sẽ tổ chức họp với các phòng, ban để xem xét, tìm hướng xử lý"? Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Văn Vân, đại diện 67 hộ dân ấm ức: Số tài sản trên đất tại khu vực sản xuất gạch đó trị giá khoảng 5 tỷ đồng và ông Sinh nhất mực đòi phải di chuyển xong toàn bộ khối tài sản này rồi mới san trả mặt bằng. Từ trước đến nay, các cơ quan chức năng ban hành nhiều quyết định, yêu cầu chủ dự án phải dừng sản xuất gạch, nhưng chưa bao giờ ông Sinh nghiêm túc chấp hành, cũng chưa có cơ quan chức năng nào quyết liệt buộc chủ dự án phải thực hiện. Hơn thế, ông Sinh còn xin tiếp tục sản xuất gạch ở quỹ đất II… Chúng tôi thấy không có gì bảo đảm rằng chủ dự án sẽ san trả mặt bằng, nếu đồng ý cho ông Sinh di chuyển toàn bộ khối tài sản đó đi. Chúng tôi coi đây là tài sản bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của chủ dự án.

Hạn thời gian để hoàn thành công việc theo Quyết định 2960 đã gần kề, UBND huyện Phúc Thọ cần chỉ đạo sát sao, buộc chủ dự án phải cùng một lúc làm song song hai việc: vừa san ủi mặt bằng, vừa di chuyển tài sản ra khỏi kho, bãi; việc hoàn trả mặt bằng phải đặt dưới sự giám sát của UBND huyện và đại diện 67 hộ dân. Nếu việc hoàn trả mặt bằng không đúng thời điểm đã quy định, chủ dự án phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Bài, ảnh Thiện Mỹ