Đánh bom hàng loạt rung chuyển Baghdad, ít nhất 57 người chết
Thế giới - Ngày đăng : 16:27, 22/12/2011
Bộ nội vụ Iraq cho biết 13 địa điểm đã bị tấn công, trong đó có al-Amil ở phía nam thủ đô và Halawi và Karrad gần trung tâm thành phố hơn.
Các vụ tấn công vẫn thường xuyên diễn ra tại Iraq mặc dù tình hình bạo lực nhìn chung đã giảm.
Khói đen bốc lên sau các vụ đánh bom ở Baghdad. |
Các vụ nổ hôm nay diễn ra giữa những lo ngại ngày càng gia tăng về căng thẳng giáo phái khi chính phủ liên minh đối mặt với những chia rẽ nội bộ.
Hiện chưa rõ ai đứng sau các vụ đánh bom mới nhất. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mức độ phối hợp cho thấy chỉ al-Qaeda tại Iraq mới có khả năng lên kế hoạch như vậy.
Tại al-Amil đã xảy ra 2 vụ nổ, trong đó vụ nổ thứ 2 dường như nhằm vào những người hộ, vốn tới hiện trường sau vụ nổ đầu tiên.
Raghad Khalid, giáo viên tại một trường mẫu giáo ở Karrada, nói tất cả các cửa kính của họ đã bị vỡ. “Các trẻ em hoảng sợ và la khóc. Một số bộ phận của chiếc xe dùng để đánh bom bay vào ngôi trường”, Khalid nói.
Khói đen đã được nhìn thấy bốc lên từ quận Karrada, với các xe cứu thương vội vã tới hiện trường.
Khủng hoảng chính trị
Chính phủ chia sẻ quyền lực của Iraq đang gặp khủng hoảng sau khi một lệnh bắt giữ được phát đi đối với Phó tổng thống người Sunni Tariq al-Hashemi vì các cáo buộc khủng bố.
Toàn bộ nhóm al-Iraqiyya, khối Sunni chính tại quốc hội, đang tẩy chay quốc hội để phản đối lệnh bắt giữ trên. Phe này cáo buộc Thủ tướng Iraq Nouri Maliki, người thuộc giáo phái Shiite, thâu tóm quyền lực.
Ông Hashemi đã bác bỏ các cáo buộc. Ông này hiện đang có mặt tại Irbil thuộc khu vực bán tự trị của người Kurd và được sự bảo vệ của chính quyền địa phương nhưng Thủ tướng Maliki đã yêu cầu họ giao nộp ông Hashemi.
Cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra sau khi các binh sĩ Mỹ cuối cùng đã rời Iraq hồi cuối tuần qua, gần 9 năm sau khi cuộc chiến nhằm lật đổ Saddam Hussein bắt đầu năm 2003.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận tình hình tại Iraq không hoàn hảo, song nói rằng các lực lượng đã chuyển giao “một Iraq có chủ quyền, ổn định tự lập, với chính phủ đại diện được người dân bầu lên”.