Dưới góc nhìn luật sư: AVG, VPF và nỗi đau đầu của VFF
Xã hội - Ngày đăng : 15:24, 22/12/2011
Việc ra đời VPF là một cột mốc lịch sử trong việc quản lý và điều hành bóng đá nói riêng và thể thao VN nói chung. Lịch sử không chỉ vì tạo ra sự đột phá quyết liệt trong điều hành thể thao chuyên nghiệp, mà còn vì sự ra đời của VPF dẫn đến hàng loạt những quy chế, quy định, văn bản, hợp đồng... phải soạn thảo, thương lượng lại toàn bộ để đạt được mục đích và tôn chỉ đề ra. Việc tranh chấp về bản quyền truyền hình giữa VPF với AVG là một ví dụ.
Vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá VN ở mùa giải 2012 vẫn còn bỏ ngỏ vì các bên liên quan chưa chính thức ngồi lại với nhau |
Trở lại bản hợp đồng bản quyền truyền hình 20 năm ký giữa VFF với AVG, một bản hợp đồng vô tiền khoáng hậu trong lĩnh vực thể thao mà trước và sau khi ký đã dấy lên nhiều luồng tranh luận. Những tưởng 2 phía (VFF và AVG) đã ký xong thì yên chuyện theo đúng ý của những người đặt bút ký vào đó, nào ngờ sự ra đời của VPF lại xới tung cái bản hợp đồng này lên.
Khoan hãy bàn đến việc đúng luật của bản hợp đồng 20 năm đó, cứ xem nó được ký đúng tất tần tật về hình thức lẫn nội dung, vậy giờ giải bài toán quyền và lợi trong phát sóng truyền hình V-League và giải hạng Nhất khi VFF không trực tiếp điều hành 2 cấp giải bóng đá cao nhất của VN này mà là do một doanh nghiệp cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đứng ra điều hành là VPF sẽ như thế nào? Trái bóng quyền và lợi này đang được các bên đá qua đá lại khi mà thời điểm khai mạc giải bóng đá hạng cao nhất đã cận kề, còn những người có liên quan đến “bản hợp đồng 20 năm” thì vẫn giữ thái độ im lặng tuyệt đối. Quả là rối.
Xâu chuỗi những động thái và hành động của các bên có liên quan trong thời gian qua cho thấy sự lúng túng của VFF, hầu như mọi chuyện đã vượt ra ngoài tầm hoạch định và kiểm soát của VFF. Thể hiện các phòng ban chuyên môn của VFF (nhất là ban Pháp chế) hoạt động quá yếu kém nếu không nói là bị vô hiệu hoá trên thực tế.
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực từ VFF để thể hiện vai trò tổ chức đứng đầu về bóng đá của VN, vẫn là tư duy cũ, cung cách cũ, quan điểm cũ... thể hiện trong bản Dự thảo quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 cũng như trong mối quan hệ với VPF.
Hình như VFF vẫn xem VPF là đứa con của mình đẻ ra và phải chịu sự chỉ bảo điều khiển của mình, chứ không phải đó là một doanh nghiệp cổ phần độc lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan.
Ngay cả việc chuyển giao hầu hết các doanh thu chính của bóng đá cho VPF rồi mới giật mình nguồn kinh phí cho hoạt động của bộ máy VFF, cho ĐTQG, cho công tác đào tạo trẻ... giờ dựa vào đâu? Thế rồi an tâm với sự trấn an của bầu Kiên rằng VPF sẽ lo giúp cho kinh phí đó, sẽ không bỏ mặc VFF tự xoay xở tiền, điều lệ VPF có quy định trích lại một phần lợi nhuận trước thuế để hỗ trợ... nhưng nếu VPF không có lợi nhuận thì sao?
Và nếu VPF có lợi nhuận thì một phần đó là bao nhiêu? Theo ngôn ngữ pháp lý thì đó là một điều khoản vô thưởng vô phạt mang tính chất ngoại giao. Và cam kết của bầu Kiên liệu có đủ thẩm quyền đại diện pháp lý cho VPF như là cam kết chính thức của VPF hay không? Hay đặt giả sử một lý do nào đó bầu Kiên rút lui khỏi HĐQT của VPF thì những gì bầu Kiên cam kết liệu có còn nhân danh ý chí của VPF hay chỉ là ý kiến cá nhân của bầu Kiên mà thôi?
Trở lại vấn đề bản quyền truyền hình giải bóng đá Ngoại hạng QG-Super League và giải hạng Nhất QG, không rõ VFF chuyển giao quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng ký với AVG cho VPF như thế nào, khả năng là ấn định ràng buộc VPF phải thực hiện đầy đủ và trọn vẹn mọi nguyền và nghĩa vụ của VFF trong bản hợp đồng, trong khi một đại diện của VPF là bầu Kiên thì đã tuyên bố sẽ ngồi lại đàm phán với AVG nhưng không chấp nhận thực hiện đúng theo bản hợp đồng mà VFF đã ký với AVG về cả giá trị lẫn thời gian. Xung đột này liệu sẽ giải quyết ra sao khi mà đã cận kề ngày khai mạc Super League 2012?
Trường hợp AVG vẫn nhất quyết thực hiện đúng theo bản hợp đồng đã ký, giấy trắng mực đen, “bút sa gà chết” và họ tin rằng với sự phát triển của bóng đá VN với tốc độ nhanh như vũ bão trong mấy năm qua thì họ chỉ lỗ vài năm đầu còn những năm sau thì “trúng đậm” và nghiễm nhiên trở thành “anh cả” trong lĩnh vực truyền hình thể thao trong nước trong một thời gian dài. Tất nhiên VPF sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà bầu Kiên thẳng thừng tuyên bố vấn đề bản quyền truyền hình sẽ phải bàn bạc lại về giá trị và thời hạn, thậm chí còn nêu rõ chỉ muốn hợp đồng chỉ có hiệu lực trong 3 năm và AVG phải trả thêm tiền.
Có thể người ngoài không biết tường tận về nội dung bản hợp đồng 20 năm đó nhưng đội ngũ cố vấn của VPF, của bầu Kiên đã nghiên cứu nát nước, thậm chí tính toán trước và chuẩn bị ngay trong đề án thành lập VPF. Không phải ngẫu nhiên họ quyết liệt VPF phải là công ty cổ phần chứ không thể là công ty TNHH, và V-League ngay lập tức được VPF đổi tên thành Super League. Phải chăng đây là một nước cờ “độc” của VPF để nếu trên bàn thương lượng đàm phán mà gặp bất lợi thì VPF có thể sử dụng Super League là con bài chiến lược để nói với AVG rằng anh cứ việc độc quyền phát hình cho V-League (có thể sẽ là tên mới của giải hạng Nhất QG), còn tôi thì phát hình giải bóng đá Ngoại hạng VN (Super League). Biết đâu đấy...
Và như vậy VFF sẽ rất đau đầu, một bên là chữ ký tươi rói kèm con dấu đỏ chói của mình trong bản hợp đồng 20 năm cùng AVG và nên buộc phải thực hiện đúng cam kết với AVG. Nhưng nếu vì thế mà ép VPF phải thực hiện đúng như thế thì liệu có “ép” được không?
Rõ ràng khi việc tổ chức giải bóng đá cao nhất của quốc gia đã trao cho VPF, khi mà VPF được tổ chức và vận hành theo Luật Doanh nghiệp thì VFF chỉ còn đóng vai trò một cổ đông lớn của VPF chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp, áp buộc VPF phải làm theo ý mình như trước, đặc biệt là khi phần lớn thành viên HĐQT của VPF đều là những doanh nhân có tiếng.