Giá cả và giá trị

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:14, 22/12/2011

(HNM) - Người ta thường dùng từ


Việc bán - mua cầu thủ trong bóng đá Việt Nam mấy năm qua cũng có chuyện sậm màu thổi giá. Từ lúc có nhiều ông chủ giàu có đổ tiền vào CLB bóng đá, thị trường cầu thủ sôi động hẳn. Đã thấy xuất hiện một lớp người gọi là "cò chuyển nhượng". Đã thấy một loạt cầu thủ được phía khác "chống lưng", quay lại ép CLB chủ quản để đòi được ra đi, mong muốn hưởng nhiều tỷ đồng tiền "lót tay". Một vài ông chủ giàu có không ngại vung tiền, lúc hứng chí có thể bỏ ra số tiền vượt quá giá trị chuyển nhượng thực sự để mua bằng được một cầu thủ nào đó. Thế là thị trường cầu thủ Việt Nam cùng xuất hiện hiện tượng "bong bóng", như người ta thường nói về thị trường bất động sản trong thời gian qua.

Nói về giá trị trong mối quan hệ với giá cả, có thể kể chuyện mua - bán điện hiện nay. Giá điện vừa tăng, không phải tăng ở mức quá nhiều nhưng sự nhạy cảm rất rõ.

Giá điện tăng ở thời điểm giáp Tết, rõ ràng là sẽ tác động đến giá cả tiêu dùng nói chung, rất khó lường, đặc biệt là khi chính sách bình ổn giá còn đang gặp khó khăn nhất định. Nhưng, có chuyện ít được nhắc đến một cách thỏa đáng, ít được đặt ra với tính chất "nhất định phải thay đổi", đó là chất lượng hàng hóa của ngành điện. Vì điện là hàng hóa đặc biệt, nên chất lượng hàng hóa này cũng rất đặc biệt. Chất lượng ấy khá… tùy hứng, tùy nơi. Như ở khu Mỹ Đình I, thuộc huyện Từ Liêm, người ta thấy có những nơi luôn mất điện và nơi khác cách đó vài chục mét gần như không bao giờ mất điện. Cái cách mất điện cũng ác, gần Tết rồi là thấy hay mất vào… giờ thổi cơm, trưa lẫn chiều tối. Điện phụt tắt, tích tắc bừng sáng rồi ngay lập tức… tắt phụt, không phải một mà nhiều lần trong năm, có khi vài lần trong một ngày. Chất lượng cung cấp điện gây khó, thậm chí nguy hiểm cho cư dân cao ốc (đã có người chết trong thang máy lúc mất điện), "góp phần" đắc lực làm cho đồ dùng điện tử nhanh hỏng… Chất lượng hàng hóa là thế, liệu có tương xứng với giá cả và nhất là cung cách phục vụ của "nhà đèn"? Dân bị thiệt hại, ngành điện có trách nhiệm gì?

Trở lại chuyện bóng đá, mấy ngày qua, thấy trong làng bóng đá đã có sự chuyển dịch, theo hướng đưa giá cả về gần giá trị hơn. Một loạt tuyển thủ cấp độ đội tuyển bị "bể kèo" chuyển nhượng vào phút chót, lọt tay tiền tỷ vì quyết tâm "chọc vỡ bong bóng" chuyển nhượng của một số ông bầu bóng đá có chân trong VPF - Công ty cổ phần Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Vài anh khác vẫn được mua về, nhưng không còn ở cái thế có thể "tinh tướng" như trước nữa. Đằng sau chuyện tiền nong của cá nhân mỗi ông bầu, từng CLB là chất lượng của nền bóng đá. Sự nghiêm túc trong định giá - chất lượng cầu thủ, dẫn đến thái độ chuyên nghiệp trong rèn luyện, thi đấu, tránh xu thế chưa thành tài đã… thành tật như đã thấy trước đây.

Ngành điện đang trong tâm điểm dư luận, không chỉ vì vừa tăng giá bán điện, mà cả vì khoản lương của cán bộ, nhân viên trong ngành. Không nói cao - thấp mà chỉ nói về chất lượng phục vụ (chất lượng kinh doanh thì đúng hơn), nhận lương ngất ngưởng như vậy có xứng?

Lĩnh vực bất động sản cũng đang trong "bão". Giá nhà, đất, căn hộ cao vót nhưng chất lượng thực sự không tương xứng. Cao ốc cứ nghe cháy là thấy nguy, cứ "xì" chuyện thu phí là thấy bất cập.

Suy cho cùng, chuyện giá cả và giá trị còn nhiều bất cập lắm, không chỉ là chuyện bóng đá, điện, bất động sản. Số chuyện buồn nhiều hơn vui, đã đến lúc phải thay đổi quyết liệt để yên lòng dân.

Dục Tú