Đằng sau chuyện... lỗ!

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:02, 21/12/2011

(HNM) - Từ công bố của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra rà soát việc thực hiện cơ chế giá mặt hàng xăng dầu tại 4 doanh nghiệp (DN) đầu mối của cả nước, chuyện lỗ hay lãi đã có câu trả lời.


Nhớ lại, trong kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, cùng về vấn đề này, một bộ báo cáo rằng không lỗ, còn bộ khác khẳng định là lỗ. Cũng như băn khoăn của nhiều đại biểu, chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải hỏi lại, thực tế Petrolimex (DN nắm giữ 60% thị phần) kinh doanh xăng dầu lỗ hay lãi?

Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1-1 đến 26-8-2011, nếu tuân thủ đúng quy định về chi phí kinh doanh thì Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty TNHH Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) đều có lãi. Cụ thể, số lãi nhiều nhất là 130 tỷ đồng, số lãi ít nhất là 22 tỷ đồng. Thế nhưng, các DN này đều báo cáo lỗ, nơi ít thì vài chục tỷ đồng, nơi nhiều tới 1.800 tỷ đồng...

Có sự vênh nhau lớn như vậy là do các DN không tuân thủ đúng quy định về chi phí kinh doanh. Ví dụ: Giá bán của Petrolimex cho 16 công ty thành viên (trong giai đoạn được kiểm tra) thấp hơn giá vốn hơn 100 tỷ đồng. Giá bán của tổng công ty (do các đơn vị thành viên thực hiện) cho các đại lý, tổng đại lý ngoài hệ thống thấp hơn giá vốn bình quân hơn 620 tỷ đồng. Nhiều thời điểm số tiền mà các "ông lớn" trích thù lao (hoa hồng) cho đại lý, tổng đại lý vượt xa mức chi phí cho phép là 600 đồng/lít. Thậm chí, có thời điểm, có "đại gia" vung tay chi phí hoa hồng cho đại lý lên tới gần 1.000 đồng/lít... Cuối cùng thì DN, tổng công ty báo cáo lỗ, nhưng tổng đại lý và đại lý thì lãi to.

Sự bất cập đó khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có sự chuyển giá trong hoạt động kinh doanh của các DN này? Tất nhiên, đây chỉ là nghi vấn, song chuyện lỗ hay lãi trong kinh doanh xăng dầu thì đã rõ ràng. Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã khẳng định, số tiền chi vượt định mức kinh doanh các DN sẽ phải tự trang trải lấy, người tiêu dùng và Nhà nước không phải gánh thêm chi phí đó. Như vậy có thể hiểu rằng, Nhà nước không phải trích tiền từ ngân sách và người tiêu dùng không phải chịu cảnh xăng tăng giá để "cõng" cho khoản lỗ do các DN không thực hiện đúng quy định về chi phí kinh doanh.

Như vậy là công bằng. Thậm chí nếu vì khoản lỗ ấy mà có DN bị phá sản dẫn tới "xóa sổ" thì cũng là chuyện bình thường, chứ không thể tồn tại kiểu làm ăn tùy tiện, năng lực quản lý yếu kém nhưng lại được "nâng niu", đặt trong nhung lụa của "chiếc nôi" độc quyền. Ấy cũng là sự đào thải tất yếu của quá trình vận hành trong nền kinh tế thị trường, công khai, minh bạch và bình đẳng...

Và đằng sau chuyện... lỗ cũng không chỉ có vậy. Mọi hành vi trong xã hội đều được điều chỉnh theo pháp luật và những văn bản dưới luật. Do đó, với nhiều vụ việc trong lĩnh vực kinh tế, đối tượng vi phạm ngoài việc đền bù thiệt hại về vật chất do những hành vi của mình gây ra, nếu xét thấy gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Không lẽ bỗng dưng tiền được chi vượt định mức kinh doanh cho phép? Hay bỗng dưng các công ty thành viên được mua hàng thấp hơn giá vốn? Rồi bỗng dưng các đại lý, tổng đại lý ung dung đút túi tiền hoa hồng?...

Ngay cả lãnh đạo cơ quan chủ quản cũng từng kêu là... lỗ. Nhưng vì sao lỗ, trách nhiệm thuộc về ai, hệ thống quản lý, điều hành còn những gì bất cập, các cá nhân được giao trọng trách đã làm những gì...? Đó chính là những câu hỏi cần được trả lời rõ ràng trước Nhà nước và nhân dân.

Hoàng Thu Vân