Tăng quyền lực cho HĐND và tính tự quản cho địa phương

Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 21/12/2011

(HNM) - Chiều 20-12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Thường trực HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992.


Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi tổng kết.     Ảnh: Nguyệt Ánh   

Dự thảo báo cáo (lần thứ 3) tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Thường trực HĐND, UBND TP Hà Nội đã tập trung làm rõ những vấn đề chính liên quan đến vận hành cơ quan HĐND, UBND từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức đến các mối quan hệ phối hợp, việc tổ chức HĐND, UBND theo cấp hành chính… Ngoài việc tổng kết những mặt được trong việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992, Thường trực HĐND, UBND TP đã tập trung phân tích những hạn chế còn tồn tại và đưa ra các đề xuất, kiến nghị.

Báo cáo phân tích 8 khó khăn, vướng mắc khi thực thi vấn đề địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND các cấp. Đáng chú ý, về mặt pháp lý, HĐND được trao nhiều thẩm quyền quan trọng, nhưng trên thực tế, chức năng của HĐND thì lớn nhưng quyền hạn lại rất hạn chế hoặc không được sử dụng hết. Luật hiện hành quy định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cấp HĐND và UBND gần giống nhau, do đó có tình trạng, cùng một vấn đề cả ba cấp HĐND đều bàn bạc, ra nghị quyết. Một số nhiệm vụ luật định, nhưng HĐND và UBND cấp xã không có khả năng thực thi, vai trò đại diện cho quyền lực nhà nước ở địa phương của HĐND các cấp chưa được thể hiện rõ. Nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND và UBND các cấp theo Hiến pháp, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 chưa thể hiện và đáp ứng được yêu cầu đối với đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn. Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND tuy có chuyển biến tích cực, nhưng nhìn tổng thể chưa phát huy được tác dụng (đặc biệt là cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn), bởi phần lớn các cuộc giám sát được tiến hành sát các kỳ họp và nặng về yếu tố hành chính.

Hiến pháp còn thiếu các quy phạm đề cập đến cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung để tạo nên sự phối hợp và cân bằng cũng như sự kiểm soát và chế ước nhau giữa các cơ quan công quyền thuộc các nhánh quyền lực nhà nước. Từ đó, dẫn đến hiệu quả thấp và năng lực quản lý nhà nước yếu trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Khoản 5 Điều 58, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định trong các hoạt động giám sát của HĐND là "Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu". Tuy nhiên, việc bỏ phiếu tín nhiệm này chưa được quy định bắt buộc theo định kỳ, mà là hoạt động chủ yếu mang tính chất xử lý khi có "sự cố" phát sinh. Với quy định của pháp luật hiện hành, việc phân định trách nhiệm của cá nhân và tập thể UBND chưa rõ ràng.

Tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND TP Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UB MTTQ TP Phạm Lợi, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Quang Nhuệ… đã phát biểu ý kiến nhấn mạnh việc cần phân định rõ để tăng thêm quyền lực cho HĐND, đặc biệt là tăng tính tự quản cho địa phương thông qua các quyết định của HĐND. Chẳng hạn như vấn đề nhập cư tại Hà Nội, lẽ ra HĐND TP có thể quyết định. Hầu hết ý kiến cho rằng nên bỏ HĐND quận, huyện, phường, thậm chí cả các xã, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ việc sắp xếp cán bộ cho phù hợp. Nhiều ý kiến thống nhất quan điểm là nên phân định chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Trong đó, chính quyền đô thị áp dụng cho TP trực thuộc TƯ, TP trực thuộc tỉnh và thị xã với người đứng đầu cơ quan hành chính là thị trưởng (hoặc chủ tịch ủy ban hành chính) do HĐND bầu ra.

Được biết, đến ngày 15-1-2012, việc tổng kết thực hiện Hiến pháp năm 1992 của các cấp, ngành sẽ kết thúc để tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 4-2012.

Võ Lâm