Kinh tế năm 2012: Thách thức nào cho các doanh nghiệp lớn?
Kinh tế - Ngày đăng : 15:38, 20/12/2011
Trong vài tháng gần đây, triển vọng kinh tế thế giới năm 2012 đang được giới phân tích quốc tế đánh giá xấu đi đáng kể do khủng hoảng nợ công ở EU lan rộng, xếp hạng tín nhiệm của Hoa Kỳ giảm sút và kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc. Tính bất định và khó lường của kinh tế thế giới tiếp tục ở mức rất cao trong năm 2012, thậm chí một số đánh giá cho rằng kinh tế thế giới có thể lại rơi vào một cuộc suy thoái nặng nề mới.
Trong bối cảnh bất định cao như vậy, dự báo chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2012 sẽ có tính thận trọng rất cao. Mục tiêu quan trọng hàng đầu của Chính phủ sẽ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không phải là tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, có thể dự báo về việc thực hiện thắt chặt tài khóa, cắt giảm đầu tư công một cách quyết liệt hơn nữa. Thâm hụt ngân sách năm 2012 sẽ được kiềm chế để tạo thêm dư địa cho việc điều chỉnh linh hoạt hơn chính sách tiền tệ trong năm 2012.
Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ chặt chẽ sẽ được theo đuổi, tuy nhiên có thể điều chỉnh linh hoạt khi cần thiết nhằm giảm áp lực cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tăng nợ xấu của khu vực ngân hàng, qua đó làm giảm sức ép về an sinh xã hội và đảm bảo an ninh chính trị. Về tái cơ cấu kinh tế, các khu vực ưu tiên sẽ là tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại và đầu tư công.
Những dự báo về chính sách nêu trên đưa đến những hàm ý quan trọng về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp lớn trong năm 2012. Đó là dòng tiền sẽ tiếp tục bị thu hẹp. Việc cắt giảm đầu tư công sẽ tạo khó khăn và áp lực chuyển đổi rất lớn cho một nhóm đáng kể các doanh nghiệp VNR500 (Bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất VN), bao gồm các DNNN cũng như doanh nghiệp tư nhân.
Khu vực chứng khoán và bất động sản chưa có những tia hy vọng rõ rệt trong nửa đầu năm 2012. Nợ xấu của doanh nghiệp và các ngân hàng vẫn là vấn đề khó khăn cần giải quyết trong nửa đầu năm 2012.
Bên cạnh đó, lạm phát và lãi suất trong năm 2012 nhiều khả năng sẽ giảm nhiệt so với năm 2011. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn sẽ khó khăn do quá trình tái cơ cấu ngân hàng được đẩy mạnh.
Dù vậy, khi Chính phủ kiên trì việc điều hành kinh tế vĩ mô cẩn trọng và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, nhìn về trung hạn, từ cuối năm 2012 và nửa đầu năm 2012, triển vọng môi trường kinh doanh của doanh nghiệp lớn sẽ tích cực hơn nhiều.
Doanh nghiệp VNR500 cần đối phó linh hoạt với thách thức
Mặc dù chịu sức ép khá lớn từ lạm phát và suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong bảng xếp hạng VNR500 tỏ ra khá vững vàng và linh hoạt trước sóng dữ. Sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh đã nhìn thấy rõ, nhưng các doanh nghiệp này cũng không hẳn là không đạt được những thành tựu nhất định. Kết quả kinh doanh (doanh thu) của 500 doanh nghiệp trong 5 năm tăng đều và tăng khá mạnh trong Bảng xếp hạng năm 2011 với gần 4.100 nghìn tỷ đồng từ con số gần 2.800 nghìn tỷ năm 2010.
Theo kết quả điều tra của Vietnam Report, số doanh nghiệp VNR500 đánh giá môi trường kinh doanh năm 2011 ảm đạm chiếm đến 40%, số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh tạm được chiếm 44% và chỉ có 16% doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh tốt lên.
Tuy nhiên, khi được hỏi về triển vọng môi trường kinh doanh năm 2012-2013, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng môi trường sẽ trở nên tốt hơn tăng lên gấp đôi và chỉ có 16% đánh giá là kém cho năm 2012-2013.
Như vậy, mặc dù đối mặt với những khó khăn ngày càng chồng chất, các doanh nghiệp VNR500 vẫn khá chủ động và tương đối lạc quan vào triển vọng và cơ hội kinh doanh trong trung hạn.
Theo ông Đinh Trọng Thắng, trong thời gian tới các doanh nghiệp không nên quá lo lắng về lạm phát cao và tăng trưởng giảm sút. Nền kinh tế có thể vượt qua suy thoái nhanh so với dự báo ban đầu. Các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khoá của Chính phủ đang đi đúng hướng. Thách thức lớn nhất là liệu các chính sách thắt chặt này có đủ độ bền hay không và có gắn kết đầy đủ với các biện pháp tái cơ cấu kinh tế hay không? Theo đó, mỗi doanh nghiệp cần nhận thức đúng tình hình, đối phó đúng mức và tận dụng các cơ hội nảy sinh.