Vai trò nhạc trưởng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:58, 20/12/2011

(HNM) - Chuẩn bị để nhân dân đón một Tết Nguyên đán vui tươi, phấn khởi, đầy đủ và tiết kiệm trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát, chống đầu cơ tăng giá, tháo gỡ khó khăn cho hàng nghìn doanh nghiệp trong cả nước... là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng.


Chính vì thế, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch chỉnh trang đô thị, chống ùn tắc và tai nạn giao thông, giữ vững an ninh trật tự, tổ chức bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật… khá chu đáo. Riêng về kinh tế, thành phố đã dành ra gần 500 tỷ đồng để bình ổn giá hàng, khơi thông nguồn hàng, chống đầu cơ buôn lậu… Cùng với Nhà nước, nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại, các siêu thị, bà con tiểu thương, nông dân đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng hàng Tết nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Theo số liệu ban đầu, thành phố đã có hàng trăm cửa hàng trợ giá, dự trữ được 1.300 tấn gạo, hàng nghìn tấn thịt lợn, trâu bò, gia cầm, thủy sản, hàng chục vạn quả trứng, 800.000 lít dầu ăn, hàng nghìn tấn kẹo, bánh, 100 triệu lít bia Hà Nội và nhiều triệu lít nước giải khát khác… Riêng hệ thống siêu thị trong thành phố đã dự trữ được 1.900 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết, trong đó riêng hệ thống siêu thị Hapro của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã dự trữ được 950 tỷ đồng.

Lượng hàng hóa theo báo cáo là tương đối đủ, khó xảy ra đột biến về giá cả do thiếu nguồn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cái khó đó là dịp Tết Nguyên đán đang nằm trong đà tăng giá của nhiều loại hàng hóa, trong đó có nhiều loại hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm. Đáng lưu ý là nhiều tháng qua, lương thực, thực phẩm luôn là nhóm hàng tăng giá mạnh nhất, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng CPI liên tục tăng cao. Cái khó thứ hai là tuy ngân sách đã chi một khoản tiền lớn (cho vay để dự trữ hàng hóa, không tính lãi) nhưng lượng hàng hóa được trợ giá chưa đủ sức ngăn chặn buôn lậu, đầu cơ tích trữ. Cái khó thứ ba là việc tăng hàng dự trữ không thể triệt tiêu được tình trạng gian lận thương mại, không tuân theo các quy định về trợ giá, ăn theo hàng trợ giá; phá giá thị trường như đã từng xảy ra những năm trước. Còn phải kể đến thị trường hàng tươi sống khi hệ thống thương mại hiện nay mới đáp ứng được 65% nhu cầu về thịt, 40% nhu cầu về rau, chưa kể hoa, cây cảnh, cá cảnh… đang thuộc quyền chi phối của nhà sản xuất hoặc tư thương nhỏ lẻ.

Tết đến, xuân về là thời gian mua bán đặc biệt trong năm, nó luôn ẩn chứa những bất thường. Rút kinh nghiệm từ dịp Tết năm ngoái là những ngày đầu năm rau xanh, thịt tươi, cá đồng tươi rất khan hiếm, giá cao vọt nhưng rất nhiều hàng hóa khác như bánh, mứt, kẹo, giò chả… lại ế ẩm hàng trăm tấn; rượu, bia, nước giải khát hàng nghìn thùng. Cho nên, để giảm bớt thiệt hại cho toàn xã hội, cố gắng chuẩn bị cho người dân đón Tết đầm ấm, sung túc là hết sức cần thiết nhưng còn cần hơn đó là vai trò quản lý của nhà nước, nhất là các cơ quan trực tiếp quản lý trong ổn định giá cả tầm vĩ mô, điều tiết hàng hóa, hướng dẫn tiêu dùng, quản lý thị trường.

Vũ Duy Thông