Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “loạn” chi hoa hồng cho đại lý
Kinh tế - Ngày đăng : 19:30, 19/12/2011
Tại Petrolimex, tổng chi phí kinh doanh thực tế phát sinh của doanh nghiệp này lên đến hơn 3.028 tỷ đồng trong khi tổng chi phí kinh doanh xác định theo định mức chi phí kinh doanh theo quy định chỉ là trên 2.512 tỷ đồng. Như vậy, chênh lệch giữa chi phí bán hàng thực tế phát sinh của doanh nghiệp này với chi phí kinh doanh theo định mức quy định là trên 516,168 tỷ đồng. Điều đáng nói, thù lao đại lý (chênh lệch giữa giá bán lẻ nhà nước quy định với giá bán cho các tổng đại lý và đại lý) lên tới trên 583,7 tỷ đồng.
Qua rà soát cho thấy, mức thù lao đại lý đối với từng mặt hàng của các công ty thành viên được điều chỉnh tùy theo từng thời điểm và địa bàn khác nhau, có những lúc vượt quá định mực chi phí kinh doanh. Chẳng hạn, mức thù lao đại lý của Công ty xăng dầu B12 từ tháng 3 đến tháng 9/2011 với xăng mức thấp nhất là 210 đồnglít, cao nhất là 630 đồng/lít; đối với dầu diesel là từ 130 đồng đến 830 đồng/lít.
Tương tự, tại Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, mức thù lao cho đại lý cao vượt mức 600 đồng, bình quân là 859,68 đồng/lít trong thời điểm 1/7 đến 28/8/2011. Còn ở Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), có thời điểm thù lao đại lý là 900 đồng, thậm chí 950 đồng/lít.
Ảnh minh họa |
“Với cơ chế xác định giá bán xăng dầu cho các đại lý, tổng đại lý (giá bán buôn) bằng giá bán lẻ từng thời kỳ trừ lùi một khoản thù lao cho các đại lý thì việc đẩy thù lao đại lý lên cao để chiếm giữ thị phần là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đầu mối. Việc nâng mức thù lao đại lý như trên tuy không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng nhưng sẽ làm giảm lãi hoặc tăng lỗ, không phản ánh thực trạng tài chính của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.”-Bộ Tài chính cho biết.
Nói về vấn đề này, bà Vũ Thị Mai-Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, theo Thông tư 36 của Bộ Công thương, chi phí thù lao đại lý không còn được quy định mà chỉ có thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đại lý nhưng tại thông tư 234 của Bộ Tài chính quy định định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở (đã bao gồm cả chi phí đại lý) là 600 đồng đối với xăng, một số loại dầu. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra trên cho thấy chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp đều vượt mức này, thậm chí thù lao đại lý vượt cả 600 đồng/lít”.
Trước thắc mắc của phóng viên rằng, với việc doanh nghiệp mạnh tay chi hoa hồng cho đại lý như vậy thì người tiêu dùng có phải chịu thiệt, ông Nguyễn Tiến Thỏa-Cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định: Người tiêu dùng không phải chịu thiệt, Nhà nước cũng không phải bù đắp, mà chỉ có doanh nghiệp phải tự lo trang trải bởi giá bán lẻ xăng dầu vẫn do Nhà nước chi phối, người tiêu dùng được hưởng mức giá tính theo công thức giá cơ sở quy định.
Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị, trong điều kiện Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thì doanh nghiệp đầu mối và các đại lý, tổng đại lý phải có chính sách tiết giảm chi phí để cùng Nhà nước và người tiêu dùng thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ. Bộ cũng cho rằng, việc chi vượt mức chi phí kinh doanh cần phải xem xét và phải có quy định khống chế chi phí kinh doanh, thù lao đại lý.